“Chìa khóa” để nâng cao thu nhập

15:58, 20/09/2020

Nằm ở phía Nam của T.X Phổ Yên, xã Nam Tiến có trên 70% dân số sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Từ những tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong những năm qua, người dân trong xã đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao thu nhập. Đây được xem như “chìa khóa” trong công tác giảm nghèo ở địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển ổn định, bền vững.

 Bà Nguyễn Thị Quý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Tiến chia sẻ: Cách đây hơn 5 năm, người dân trong xã chủ yếu cấy lúa và trồng cây màu truyền thống nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác lợi thế về đất đai, lao động để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỷ lệ hộ nghèo những năm gần đây đã giảm, đời sống người dân từng bước được nâng cao.

Với hơn 400ha đất sản xuất nông nghiệp (diện tích cấy lúa là hơn 300ha, còn lại là rau màu), xã Nam Tiến đã vận động bà con thay thế giống lúa cũ bằng những giống lúa lai, ngắn ngày cho năng suất cao. Nếu như trước kia, trà lúa mùa trung và mùa muộn chiếm tới 50% diện tích thì nay, xã đã vận động bà con chuyển toàn bộ diện tích này sang cấy lúa mùa sớm để sản xuất vụ đông. Hàng năm, xã cũng đã phối hợp tổ chức 5-10 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tới các hộ dân; đưa vào gieo trồng thử nghiệm một số giống lúa, cây màu cho năng suất cao để từ đó nhân rộng trên địa bàn… Đến nay, giá trị canh tác trên 1ha đất nông nghiệp tại địa phương đạt trên 100 triệu đồng/năm (tăng hơn 6 triệu đồng so với năm 2018); góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đạt trên 48 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 5 triệu đồng so với năm 2018); giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,8%.

Điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Nam Tiến phải kể đến mô hình trồng ớt chỉ thiên tại xóm Đồi. Bà Vũ Thị Hải, Chi hội trưởng Chi hội nông dân xóm Đồi cho biết: Từ tháng 3 năm nay, hơn 10 hộ dân xóm Đồi đã chuyển đổi gần 1ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng ớt. Sau 2 tháng trồng, ớt bắt đầu cho thu hoạch, cứ 3-4 ngày thu hái một lứa, năng suất đạt 40-50kg/sào, giá bán dao động từ 9.000-20.000 đồng/kg. Thấy hiệu quả, vụ đông năm nay, toàn xóm có thêm 15 hộ đăng ký tham gia trồng ớt với diện tích gần 1ha.

Còn tại xóm Hạ, 10 năm nay, bà con đã đưa cây rau ngót vào trồng với diện tích khoảng 1ha. Theo đánh giá của bà con, rau ngót ít bị sâu bệnh, suốt quá trình canh tác hầu như không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và dễ tiêu thụ. Mặt khác, xã Nam Tiến lại có hệ thống giao thông thuận lợi, gần với chợ trung tâm Thị xã nên rau người dân trồng ra đến đâu đều được thương lái thu mua hết đến đó. Đặc biệt, rau ngót cho thu hoạch quanh năm, sau mỗi lứa thu hoạch (30 ngày) người dân thu lãi gần 2 triệu đồng/sào. Nhờ đó, thu nhập của các hộ dân được cải thiện, cuộc sống dần ổn định hơn.

Nói đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Nam Tiến, không thể không nhắc đến mô hình trồng hoa ở xóm Trường Thịnh. Chia sẻ với chúng tôi, anh Dương Đức Hiển, hộ dân tiên phong trong việc chuyển đổi từ đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa cho biết: Với diện tích hơn 5.000m2, hiện nay, cùng với trồng hoa các loại, tôi còn làm cây giống để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả kinh tế mô hình trồng hoa trên đất cấy lúa của gia đình anh Hiển, xã Nam Tiến hiện có hơn 30 hộ dân thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng trên 2ha hoa các loại, tập trung ở xóm Trường Thịnh và xóm Đồi.

Về xã Nam Tiến hôm nay, xen kẽ những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt là cánh đồng hoa, ớt, rau xanh, tạo nên bức tranh nông thôn đổi mới. Những kết quả đạt được trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã rất đáng khích lệ, khẳng định chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc khai thác, vận dụng tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.