Cùng nhau làm giàu

09:30, 09/09/2020

Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Phú Lương hiện có 5.800 hội viên. Những năm qua, các cấp Hội đã đẩy mạnh thực hiện phong trào “CCB giảm nghèo bền vững, làm kinh tế giỏi”, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Một phần từ sự hỗ trợ này, nhiều hội viên đã phấn đấu vươn lên và hiện không ít trong số họ đã trở thành chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Thời gian qua, các cấp hội CCB trên địa bàn huyện Phú Lương đã có nhiều cách làm thiết thực hưởng ứng phong trào “CCB giảm nghèo bền vững, làm kinh tế giỏi” như: Hỗ trợ hội viên làm thủ tục vay vốn từ các nguồn quỹ tín dụng, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, tham quan thực tế mô hình hiệu quả...

Ông Lê Đức Ân, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: Hiện nay, hơn 80% hội viên CCB có thu nhập trung bình khá, gần 20% có thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên, tỷ lệ hộ CCB nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn 2%. Đặc biệt, trên địa bàn huyện hiện có 11 hội viên CCB là giám đốc doanh nghiệp hoặc chủ cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm, như: CCB Lê Thanh Tịnh, chủ cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ; CCB Trần Văn Kiên, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh lâm sản ở xã Yên Ninh; CCB Trần Văn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Khoa Hồng Thái Nguyên ở xã Động Đạt; CCB Nguyễn Kim Xưa chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp ở xã Phấn Mễ...

Về xã Yên Ninh, chúng tôi được nghe câu chuyện về ông Lê Thanh Tịnh, Chi hội trưởng CCB xóm Đồng Danh gây dựng cơ sở chế biến lâm sản hiện đạt doanh thu gần 6 tỷ đồng/năm từ hai bàn tay trắng. Ông Tịnh sinh năm 1964, quê gốc ở xã Mỹ Cầu, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 21 tuổi, ông nhập ngũ, đóng quân ở tỉnh Lạng Sơn, sau đó chuyển về công tác tại Tỉnh đội Bắc Thái. Năm 1989, ông xuất ngũ, xây dựng gia đình, lập nghiệp tại đất Đồng Danh. Sau nhiều năm làm ăn, tích lũy được nguồn vốn, năm 2012, ông Tịnh mở xưởng bóc gỗ xuất khẩu, sau đó chuyển sang chế biến gỗ xoan làm đồ mỹ nghệ ốp trần, tường nhà. Hiện, cơ sở sản xuất của gia đình ông đạt lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Tịnh cho biết: Tôi luôn nhận được sự quan tâm của các cấp Hội CCB và anh em hội viên, trong đó có việc tạo điều kiện đi học tập các mô hình sản xuất gỗ thành công. Nhờ đó, tôi có kinh nghiệm khi mở xưởng, vượt qua khó khăn ban đầu và đạt được kết quả như ngày hôm nay.

Rời xã Yên Ninh, xuôi về trung tâm huyện, chúng tôi tìm đến gia đình CCB Nguyễn Kim Xưa (sinh năm 1957), xóm Cọ 1, xã Phấn Mễ, thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp gồm lợn thịt, gà thịt, cá, cho nguồn thu hơn 17 tỷ đồng/năm. Ông Xưa nhập ngũ năm 1974, năm 1982 ông xuất ngũ trở về địa phương, một năm sau đó, ông lập gia đình. Sau bao năm lăn lộn với đủ nghề, năm 2003, ông xây dựng trang trại chăn nuôi 5.000 con gà gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam.

Thành công từ việc chăn nuôi gà, gia đình ông tiếp tục đầu tư chăn nuôi lợn, cá. Hiện nay, tổng diện tích các trại chăn nuôi của gia đình ông là hơn 8.000m2, nuôi hơn 2.000 lợn thương phẩm, gần 28.000 con gà và hàng trăm nghìn con cá, mỗi năm thu lãi trên 1,6 tỷ đồng, tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 10 lao động mùa vụ. Ông Xưa chia sẻ: Những ngày đầu lập nghiệp, tôi đã được Hội CCB tín chấp để vay 50 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, đó là nguồn vốn rất quan trọng để tôi gây dựng được cơ nghiệp này.

Sau khi đạt được những thành công bước đầu, những CCB làm kinh tế giỏi lại tích cực “kề vai sát cánh”, giúp anh em hội viên vươn lên bằng cách cho vay tiền không lấy lãi; hỗ trợ con, cây giống, vật tư nông nghiệp; hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất... Từ năm 2017 đến nay, tỷ lệ hội viên CCB nghèo trên địa bàn huyện Phú Lương đã giảm 1,54%, hàng chục hội viên từ thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm vươn lên mức 100-200 triệu đồng/năm. Có nguồn thu cao, ổn định, các hội viên tích cực đóng góp vào các hoạt động xã hội, từ thiện. Trong 5 năm qua, các CCB trên địa bàn huyện đã ủng hộ trên 1,3 tỷ đồng vào các loại quỹ của địa phương, hiến gần 34.000m2 đất và hàng nghìn ngày công để xây dựng nông thôn mới.

Nhằm tạo môi trường cho các CCB giao lưu, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, tháng 6-2020, Hội CCB huyện đã thành lập Chi hội Doanh nhân CCB huyện với 22 thành viên. Thời gian tới, Hội CCB huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “CCB giảm nghèo bền vững, làm kinh tế giỏi”, hỗ trợ các hội viên vươn lên làm giàu. Đồng thời kiến nghị, đề xuất với các cấp chính quyền, các ban, ngành tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất do CCB làm chủ phát triển.