Được đầu tư xây dựng từ năm 2007 với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng, công trình thủy lợi hồ Cầu Cong, tại xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh (Phú Bình) có nhiệm vụ tích trữ nước phục vụ sản xuất cho khoảng 30ha lúa của người dân địa phương. Tuy nhiên, kể từ khi bàn giao và đưa vào sử dụng đến nay, công trình hầu như chưa phát huy được hiệu quả do hệ thống kênh mương dẫn nước thi công dở dang. Trong khi đó, thân đập chính của hồ bị rỏ rỉ, xuống cấp từ nhiều năm nay khiến cho khả năng tích trữ nước của công trình bị ảnh hưởng và gây mất an toàn đối với người dân sinh sống dưới chân đập.
Theo phản ánh của người dân, mặc dù nằm ngay dưới chân công trình thủy lợi hồ Cầu Cong nhưng cánh đồng Phan Minh của xóm Cầu Cong với diện tích gần 10ha nhiều năm nay vẫn không có nước sản xuất. Chỉ tay về phía đám ruộng khô nứt nẻ của gia đình, ông Đỗ Văn Thành, người dân xóm Cầu Cong thở dài: Lúa đang trổ bông mà khô hạn thế này thì năm nay lại mất mùa rồi các chú ạ!
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đặng Văn Hồng, Trưởng xóm Cầu Cong cho biết: Xóm tôi có 25ha đất lúa thì gần 10ha ở khu vực cánh Phan Minh chỉ cấy lúa được 1 vụ vì thiếu nước sản xuất. Mặc dù công trình thủy lợi hồ Cầu Cong nằm cách đó chỉ vài trăm mét nhưng hệ thống kênh mương dẫn nước chưa được xây dựng hoàn thiện nên nước từ hồ không thể dẫn ra cánh đồng để phục vụ sản xuất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, công trình thủy lợi hồ Cầu Cong thuộc Dự án xây dựng cụm hồ Cầu Cong - Bờ La được thi công từ cuối năm 2007. Dự án có tổng mức đầu tư trên 8,1 tỷ đồng, gồm 2 công trình là hồ Cầu Cong (3,95 tỷ đồng) và hồ Bờ La (4,15 tỷ đồng) do UBND huyện Phú Bình làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, công trình thủy lợi hồ Cầu Cong gồm có hồ chứa nước với dung tích 153.780m3 và hệ thống kênh mương dài 1.600m phục vụ tưới tiêu cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xóm Cầu Cong và một số địa phương lân cận. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Dự án, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại 1 hộ gia đình nên đơn vị thi công chỉ xây dựng được 1.460m kênh mương, còn lại 120m kênh mương đầu nguồn lại không giải phóng được mặt bằng nên bị bỏ lại.
Mặc dù sau nhiều lần giải quyết vướng mắc không thành, nhưng đến tháng 3-2014, UBND huyện Phú Bình đã thực hiện các thủ tục quyết toán, nghiệm thu Dự án và bàn giao công trình thủy lợi hồ Cầu Cong cho UBND xã Tân Khánh quản lý, sử dụng. Lý giải về vấn đề này, bà Trần Thị Thanh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Phú Bình cho biết: Đến năm 2014, Dự án đã hết thời gian triển khai nên UBND huyện phải tiến hành các thủ tục nghiệm thu, quyết toán theo quy định. Khối lượng được nghiệm thu, quyết toán cho nhà thầu theo thực tế đã thi công…
Theo quan sát của chúng tôi, hồ Cầu Cong có diện tích mặt nước khoảng 5ha. Toàn bộ thân đập chính của hồ bị cây cối bao phủ um tùm. Phía dưới thân đập là van xả nước đã hoen gỉ và một đoạn kênh mương bị cỏ dại, đất đá vùi lấp gần như hoàn toàn… Người dân địa phương dùng dao phát cây cối rồi chỉ cho chúng tôi xem những điểm bị rỏ rỉ trên thân đập. Anh Liễu Văn Xuân, người dân xóm Cầu Cong cho biết: Ngay khi đập vừa mới đắp xong, chúng tôi đã thấy có hiện tượng rỏ rỉ. Khoảng 2-3 năm trở lại đây, các vết rỏ rỉ xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Người dân chúng tôi rất lo lắng vì đập có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Anh Võ, Chủ tịch UBND xã Tân Khánh cho biết: Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo và đề nghị UBND huyện cấp kinh phí để sửa chữa, nâng cấp nhưng đến nay vẫn chưa được cấp kinh phí.
Có thể thấy rằng, việc thi công dở dang hệ thống kênh mương dẫn nước đã khiến cho công trình thủy lợi hồ Cầu Cong nhiều năm qua chưa phát huy được hiệu quả, gây lãng phí. Mong muốn lớn nhất của người dân lúc này là các cấp chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần sớm vào cuộc để có phương án tiếp tục thi công hoàn thiện tuyến kênh mương cho bà con nhân dân có nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, tình trạng rò rỉ, xuống cấp của thân đập cũng cần sớm được kiểm tra, xử lý để đảm bảo an toàn tính mạng và tải sản cho người dân.