Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

15:49, 16/09/2020

Những năm qua, xã Hà Châu (Phú Bình) đã tập trung lãnh đạo, vận động bà con nông dân khai thác thế mạnh của địa phương, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh ở xóm Táo là một trong những nông hộ tiêu biểu của xã có thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng từ trồng trọt, chăn nuôi, trong đó chủ yếu từ cây trám đen. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thanh cho biết: Nhiều năm qua, trám đen là cây trồng đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình tôi. Một năm, cây trám cho thu hoạch chỉ từ tháng 7 đến tháng 8 dương lịch nhưng người dân, tư thương ở trong và ngoài tỉnh đều đã đặt hàng từ lúc cây ra hoa rồi đến tận vườn thu mua với giá trung bình từ 80 đến 100 nghìn đồng/kg. Với 19 cây đang cho thu hoạch, mỗi năm, gia đình tôi thu về khoảng 1 tấn quả, tổng thu khoảng 100 triệu đồng/năm. Hàng năm, tôi vẫn chủ động ươm, nhân giống và trồng từ 3-5 cây trám để dần thay thế cho những cây cằn cỗi, năng suất thấp hoặc gẫy đổ do gió bão.

Không riêng nhà ông Thanh, những năm qua, nhiều hộ dân ở các xóm ven sông Cầu như Đông, Mới, Táo, Núi đã tận dụng đất đai màu mỡ để trồng loại cây này. Đến nay, toàn xã có khoảng 700 cây trám đen, với tổng thu nhập lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ bán trám tươi, bà con còn bán các sản phẩm chế biến từ trám như “nham trám”, “trám muối” để tăng thêm thu nhập.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Oanh, Chủ tịch UBND xã Hà Châu thông tin: Xã có gần 400ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 70% tổng diện tích đất tự nhiên). Dựa vào đặc điểm, điều kiện tự nhiên của từng xóm, xã đã có kế hoạch, định hướng, khuyến khích người dân các xóm ven sông Cầu lưu giữ và phát triển cây trồng “đặc sản” - cây trám. Đối với các xóm ít đất nông nghiệp như: Đồn, Chảy, Chùa, Sỏi…, xã vận động người trồng các loại cây rau màu ngắn ngày, đưa các giống ngô lai, lúa lai vào gieo trồng. Riêng về cây lúa, trong tổng số gần 500ha lúa 2 vụ của toàn xã, đã có gần 50% diện tích được bà con trồng giống lúa thuần, lúa lai cho năng suất, chất lượng cao như TH3-5, TH3-7, GS9... Năm 2019, năng suất lúa trên địa bàn xã đã đạt 3.380 tấn, tăng 280 tấn so với kế hoạch đề ra..

Cùng với trồng trọt, xã chú trọng tư vấn, hỗ trợ người dân phát triển phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cụ thể như: tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, tập huấn kiến thức về cách chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi; quan tâm, tạo điều kiện thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp. Ngoài ra, để người dân có thêm vốn sản xuất, xã cũng triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước; các nguồn vốn phát triển kinh tế, hỗ trợ giải quyết việc làm từ ngân hàng và các tổ tiết kiệm, vay vốn của các tổ chức hội, đoàn thể trong xã…

Đến nay, tổng dư nợ ở Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện của người dân trên địa bàn đạt trên 17 tỷ đồng. Nhờ có vốn vay, bà con đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi. Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Xương, ở xóm Mới là một ví dụ.

Bà Xương chia sẻ: Năm 2011, gia đình tôi được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, cộng với số tiền vay mượn từ anh em họ hàng, gia đình tôi chăn nuôi chục con lợn thịt. Được cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân xã tư vấn kiến thức, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh nên đàn lợn phát triển ổn định, chăn nuôi có hiệu quả. Dần dần, gia đình tôi mở rộng quy mô nuôi 20 con lợn nái và 200-300 con lợn thịt, trung bình mỗi năm thu nhập từ 150-200 triệu đồng. Tuy nhiên sau ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên từ đầu năm đến nay, gia đình tôi chuyển sang chăn nuôi 1.000 con ngan, trung bình mỗi tháng thu về từ 15-20 triệu đồng tiền bán trứng.

Với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, tạo động lực cho nông nghiệp địa phương bứt phá, đến nay, giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất nông nghiệp của xã Hà Châu đạt 81 triệu đồng (tăng 5 triệu đồng so với kế hoạch đề ra giai đoạn 2015-2020), đời sống người dân được nâng lên. Năm 2019, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 48 triệu đồng (tăng 24 triệu đồng so với năm 2015), tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 3,27%.