Về Tân Thịnh (Định Hoá), chúng tôi được nghe cán bộ xã và người dân nói nhiều tới anh Lường Văn Ngữ, 49 tuổi, dân tộc Tày. Anh là người mạnh dạn đi đầu chuyển hơn 3ha rừng tạp, keo sang trồng cây ăn quả và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế…
Từ UBND xã Tân Thịnh đi chừng 8km đường rừng quanh co chúng tôi tìm đến đồi cây ăn quả của gia đình anh Ngữ ở xóm Bản Màn. Đồi cam, chanh xanh ngát, trĩu quả trải dài từ chân lên đỉnh núi tạo tạo điểm khác biệt giữa bốn bề núi rừng. Thời điểm này, vợ chồng anh đang cắt tỉa cành để cây tập trung dinh dưỡng cho quả. Anh Ngữ bảo, để có được vườn cây này, vợ chồng tôi đã phải đổ bao mồ hôi, công sức, đồng thời phải lập lán ăn, ngủ tại đây để thuận tiện trông coi chăm sóc.
Sinh ra ở Tân Thịnh, xã có đến 80% diện tích đồi rừng, lâu nay cuộc sống của anh Ngữ cũng như bao người nông dân khác ở đây đều gắn bó với rừng, với các công việc như trồng keo, buôn gỗ, chuyên chở lâm sản thuê… Cần cù, cố gắng nhưng anh vẫn thấy cuộc sống bấp bênh. Nhận thấy, cây cam được cha ông trồng rải rác ở đây từ lâu và quả rất ngọt, mọng nước. Năm 2014, anh bàn với vợ chuyển hơn 1ha đất rừng tạp để trồng thử 200 gốc cam sành, cam Vinh.
Sau hơn 3 năm, cây bắt đầu cho trái, nhưng do chưa có kinh nghiệm, nên quá nửa diện tích cam bị bệnh ruồi vàng khiến quả rụng hàng loạt. Lúc đó tuy có hơi nản chí, nhưng hai vợ chồng lại động viên nhau, tích cực học hỏi kinh nghiệm trên các phương tiện thông tin cũng như đến thực tế các nhà vườn khác ở các tỉnh lân cận. Đến năm sau, vấn đề sâu bệnh trên cây cam được kiểm soát, anh thu về trên 1 tấn quả. Mẫu mã quả tuy chưa đẹp, nhưng quả cam có vị thơm, ngọt được nhiều người đánh giá cao, tìm đến đặt mua với giá 20.000-30.000 đồng/kg. Thấy có triển vọng, năm 2017 anh tiếp tục trồng thêm 1.000 gốc và cứ thế nhân rộng. Đến nay, anh đã sở hữu trên 3.000 gốc cam và hàng trăm gốc chanh đào trồng trên diện tích hơn 3ha.
Theo anh Ngữ, do đồi cây nằm sâu trong rừng, đường đi khó khăn nên hơi vất vả ở khâu đi lại, vận chuyển. Bù lại là sự yên tĩnh, xa khu dân cư nên anh có thể vừa trồng cây vừa đào ao thả cá, nuôi thêm gà, vịt, lợn mà ít lo ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Anh chia sẻ: Một năm anh bón phân cho cây từ 1-2 lần và ít phải tưới bởi đất có độ ẩm cao. Thời điểm cam ra hoa, anh tiến hành phun thuốc sinh học để cây không bị sâu bệnh và tỷ lệ đậu quả cao hơn. Nhờ các biện pháp kỹ thuật chăm sóc khoa học, đúng quy trình kỹ thuật nên 3 năm nay, vườn cam của gia đình anh Ngữ bước đầu mang lại hiệu quả. Cuối năm 2019, anh thu được trên 2 tấn cam, thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Năm nay, có khoảng 1.000 gốc cho thu hoạch, theo tính toán của anh sẽ thu gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần vụ trước.
Anh Nguyễn Viết Hoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thịnh cho biết: Anh Ngữ là nông dân đầu tiên của xã phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả. Nhờ đất đai, khí hậu phù hợp nên vườn cam của gia đình anh Ngữ đảm bảo chất lượng, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật độc hại nên nhiều người trong vùng đến tham quan và mua quả từ đầu mùa vụ… Với những nỗ lực đó, năm 2019 anh được huyện, xã khen thưởng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Chúng tôi đang vận động anh tham gia vào Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Thịnh của xã để anh có thể thuận lợi hơn việc tiêu thụ sản phẩm cũng như góp phần định hướng, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng diện tích trồng cây ăn quả, mở hướng phát triển kinh tế mới tại địa phương.