Phát huy hiệu quả các công trình 135

08:57, 18/09/2020

Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình 135 (giai đoạn 2016-2019), huyện Đồng Hỷ đã có gần 100 công trình được xây mới, sửa chữa và nâng cấp với tổng kinh phí thực hiện trên 53 tỷ đồng. Nhiều công trình đã phát huy hiệu quả sau đầu tư, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn.

Huyện Đồng Hỷ có trên trên 90 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (như: Sán Dìu, Nùng, Dao, Tày, Mông...) chiếm khoảng 54%. Trong giai đoạn 2016-2019 huyện có 6 xã khu vực III (Văn Lăng, Tân Long, Tân Lợi, Hợp Tiến, Nam Hoà, Cây Thị), 1 xã ATK (Văn Hán) và 3 xóm đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc 2 xã khu vực II (xóm Lân Đăm của xã Quang Sơn; xóm Na Nha và Na Rẫy của Khe Mo) được đầu tư theo Chương trình 135. Theo đó, cùng với nguồn vốn Chương trình 135, huyện đã huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện 95 công trình, với tổng kinh phí trên 53 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn 135 là gần 33,7 tỷ đồng).

Ông Vũ Xuân Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ cho biết: Trong 2 năm 2016 và 2017, huyện thực hiện nguyên tắc phân bổ vốn chia đều cho các xã. Trong 2 năm 2018 và 2019 thực hiện phân bổ vốn theo Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND ngày 27/10/2017 của HĐND tỉnh đối với: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và đa dạng hóa sinh kế; duy tu, bảo dưỡng các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng...

Các công trình sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Điển hình như công trình cải tạo, nâng cấp trạm bơm Trại Gai và hệ thống kênh mương tại xã Nam Hòa. Công trình được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình 135 với tổng mức đầu tư trên 1,5 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, công trình đã cung cấp nước tưới cho trên 20ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân 2 xóm Cầu Gai và Quang Trung.

Ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Nam Hoà cho biết: Trạm bơm Trại Gai đóng vai trò quan trọng trong cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, sau khi được cải tạo, công trình có thể cung cấp khoảng 600m3 nước/giờ. Nhờ đó, người dân cấy được 2 vụ lúa và trồng được 1 vụ màu. Bà Thạch Thị Trúc, xóm Cầu Gai cho biết: Trước đây, 2 sào ruộng của gia đình chỉ cấy được 1 vụ lúa. Tôi phải khoan giếng tại ruộng và kéo điện từ nhà ra để bơm nước tưới. Nhưng từ khi trạm bơm được cải tạo, ruộng nhà tôi và các hộ đã chủ động được nguồn nước tưới...

Cũng như người dân xã Nam Hoà, cầu tránh lũ suối Đồng Mây (xã Tân Long) được hoàn thành, đưa vào sử dụng cũng giúp cho người dân 5 xóm thuộc miền Sa Lung (gồm các xóm: Đồng Luông, Đồng Mây, Làng Giếng, Hồng Phong và Lân Quang) đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn. Ông Hoàng Văn Thơ, Trưởng xóm Làng Giếng nhớ lại: Trước đây, mỗi khi trời mưa to, bà con trong xóm lại không thể đi qua đập tràn Đồng Mây do nước dâng cao. Cá biệt, có nhiều năm, mưa to kéo dài gây ngập úng 2-3 ngày khiến học sinh và người dân trong vùng làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài huyện phải nghỉ học, nghỉ làm. Năm 2018, từ nguồn vốn Chương trình 135, xã Tân Long đã đầu tư xây dựng cầu vượt lũ suối Đồng Mây tại xóm Lân Quang. Sau khi được hoàn thành, đưa vào sử dụng, công trình đã giải quyết được được những bất cập trên.

Từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện Đồng Hỷ đã triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn. Các công trình hạ tầng thiết yếu như: Trạm bơm, kênh mương, đường giao thông, cầu tránh lũ... đã giúp cho người dân trên địa bàn thuận tiện hơn trong việc đi lại cũng như phục vụ đời sống sinh hoạt, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.

Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình 135 trong giai đoạn tiếp theo, ông Vũ Xuân Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ cho biết thêm: Thời gian tới, Phòng Dân tộc sẽ tham mưu cho UBND huyện lựa chọn đầu tư xây dựng những công trình dân sinh theo nguyện vọng của bà con tại các xã, xóm đặc biệt khó khăn. Đồng thời phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng ngay trong quá trình đầu tư. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ, để các công trình được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả tối đa.