Nếu như 10 năm trước, khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Đồng Hỷ chỉ đạt trung bình 5,4 tiêu chí/xã trong Bộ tiêu chí. Vậy nhưng, sau 10 năm triển khai, con số này đã nâng lên 16,46 tiêu chí. Toàn huyện đã có 10/13 xã đạt chuẩn NTM. Có được kết quả này là do huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Đến xã Văn Hán hôm nay, nhiều người sẽ thấy ngỡ ngàng bởi sự “thay da đổi thịt” nơi đây. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đều đã được xây dựng khang trang. Toàn bộ đường làng ngõ xóm đều là đường đất (thời điểm trước năm 2010) trước đây nay đã được thay thế bằng những con đường bê tông. Ông Vi Ngọc Thi, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Văn Hán có thế mạnh về cây chè và rừng trồng. Chính vì vậy, để nâng cao giá trị sản phẩm của 2 loại cây trồng này, xã xác định giao thông phải đi trước để vừa giúp nhân dân đi lại thuận tiện, vừa giúp việc thông thương hàng hóa tốt hơn, giảm áp lực nông sản làm ra bị tư thương ép giá. Trong 7 năm (từ 2011-2018), từ khi triển khai thực hiện đến khi đạt chuẩn NTM, xã đã xây dựng được 51km đường giao thông nông thôn, với tổng kinh phí đầu tư 142 tỷ đồng.
Với phương châm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Đồng Hỷ đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tích cực phối hợp với các địa phương huy động mọi nguồn lực để thực hiện. Cùng với đó, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp đối ứng, hiến đất, góp công sức cùng xây dựng NTM. Bà Bùi Thị Tĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lợi cho biết: Nhân dân là nòng cốt, nhân tố chính trong xây dựng NTM. Do vậy, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay thực hiện. Từ năm 2012 đến 2019, xã đã huy động được 58 tỷ đồng, trong đó, vốn do nhân dân đóng góp gần 10 tỷ đồng. Bà con đã hiến hơn 18ha đất các loại và 5.000 ngày công lao động. Đến nay, xã đã đạt 19/19 tiêu chí NTM.
Được biết từ năm 2011 đến nay, trong tổng số 1.570 tỷ đồng số tiền mà huyện Đồng Hỷ thực hiện xây dựng NTM, có hơn 1.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, còn lại là do nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp. Ngoài ra, người dân còn tình nguyện hiến hơn 96ha đất các loại để xây dựng các công trình phúc lợi. Huyện đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp được trên 160km đường trục xã, liên xã; xây mới hơn 400km đường xóm, liên xóm; kiên cố hóa gần 45km kênh mương nội đồng; sửa chữa, nâng cấp 43 công trình thủy lợi; xây dựng 56 công trình trường học; cải tạo, nâng cấp 12 trung tâm văn hóa xã, 6 khu thể thao; xây mới và sửa chữa 134 nhà văn hóa xóm; cải tạo xây dựng 6 chợ nông thôn... Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã được đổi thay rõ nét, góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia Xây dựng NTM, đồng thời thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đến nay, huyện đã có 10/13 xã đạt chuẩn NTM.
Ông Vũ Quang Dũng, Quyền Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: Bên cạnh nguồn lực huy động từ nhân dân, thời gian qua, huyện đã tranh thủ các nguồn lực khác để xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của huyện. Từ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, với hơn 170 nhà máy, doanh nghiệp đang đóng chân trên địa bàn huyện đã giải quyết việc làm cho hơn 11.000 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân toàn huyện hiện đã nâng lên từ 13,7 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 34 triệu đồng/người/năm (năm 2019). Thời gian tới, huyện cũng sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó, tập trung ưu tiên cho các xã xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu...