Trong những năm qua, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Định Hoá thiếu đất sản xuất hoặc phải đi mượn đất của người khác để cấy lúa, trồng ngô. Vì vậy, việc được hỗ trợ đất sản xuất (ĐSX) theo Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được coi là “chiếc cầu câu” tạo cơ hội cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Huyện Định Hóa có 26.491 hộ dân, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 70%. Số hộ nghèo là người DTTS của huyện là 2.090 hộ, chiếm trên 81% tổng số hộ nghèo của toàn huyện. Theo Quyết định 2085/QĐ-TTg, hộ nghèo là đồng bào DTTS sẽ được hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề. Để triển khai có hiệu quả, năm 2017, Phòng Dân tộc huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã thực hiện rà soát và xây dựng phương án cụ thể, triển khai thực hiện hỗ trợ cho đúng đối tượng được thụ hưởng. Qua đó đã có trên 4.500 hộ đăng ký được hỗ trợ. Tuy nhiên, đến năm 2020 tổng số hộ được phê duyệt hỗ trợ đợt 1 theo Quyết định mới chỉ có 420 hộ: trong đó 346 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt; 48 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề và 26 hộ được hỗ trợ ĐSX với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng.
Ông Lưu Hồng Khoa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Định Hoá cho biết: Hỗ trợ ĐSX đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp các hộ nghèo có tư liệu sản xuất, ổn định cuộc sống, nhưng việc triển khai gặp không ít khó khăn do quỹ ĐSX không có. Để khắc phục tình trạng này, Phòng Dân tộc đã phối hợp với các phòng chuyên môn và các xã rà soát những hộ có ĐSX nhưng không có nhu cầu sử dụng, hay những hộ đã chuyển đi nơi khác sinh sống nhượng lại cho những hộ nghèo thiếu ĐSX theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó đã có nhiều xã bố trí được đất cấy lúa, trồng chè và trồng cây lâm nghiệp cho những hộ nghèo có nhu cầu. Điển hình như các xã Quy Kỳ, Điềm Mặc, Phú Tiến, Bảo Linh và Sơn Phú.
Mặc dù gia đình có 4 nhân khẩu nhưng gia đình chị Hoàng Thị Uyển, xóm Hương Bảo 1, xã Quy Kỳ chỉ có 1,5 sào ruộng cấy lúa. Để có tiền trang trải cuộc sống cũng như nuôi 2 con ăn học, ngoài việc đi bóc vỏ keo thuê, gia đình chị còn mượn thêm hơn 1 sào đất đồi để trồng ngô. Mỗi năm thu được khoảng 2 tạ ngô và 4 tạ thóc. Kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, vì thế từ năm 2005 đến nay, gia đình chị luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Tháng 8 vừa qua, gia đình chị Uyển có tên trong danh sách được hỗ trợ mua ĐSX với số tiền 12 triệu đồng. Chị Uyển phấn khởi: Với số tiền trên, gia đình tôi có thể mua được khoảng 1 sào ruộng ở những chỗ đi lại thuận tiện hoặc 2 sào ở những chỗ khó khăn hơn. Khi có thêm ruộng, gia đình tôi sẽ có đủ gạo mà không phải lo trong tháng giáp hạt nữa.
Cùng với gia đình chị Uyển, ở xã Quy Kỳ có 8 hộ nghèo DTTS khác được hỗ trợ ĐSX với tổng số tiền trên 70 triệu đồng. Tuỳ theo nhu cầu, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ từ 5-15 triệu đồng. Ông Luân Đức Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ cho biết: Mặc dù diện tích đất nông, lâm nghiệp của xã lớn với 400ha đất lúa, 17ha đất chè và gần 300ha đất rừng sản xuất nhưng do các nguyên nhân khác nhau nên nhiều hộ nghèo là đồng bào DTTS vẫn thiếu ĐSX. Việc được hỗ trợ ĐSX được coi là “cần câu”, tạo động lực để những hộ nghèo trên địa bàn xã vươn lên trong cuộc sống.
Trái ngược với việc “khát” ĐSX của nhiều hộ nghèo, không ít hộ có đất nhưng lại bỏ hoang do thiếu lao động hoặc không muốn canh tác. Do đó, việc được hỗ trợ ĐSX không chỉ giúp những hộ nghèo là đồng bào DTTS có tư liệu sản xuất, thêm thu nhập mà còn giảm được tình trạng bỏ ruộng hoang của người dân ở một số nơi như hiện nay.