Trồng chè hữu cơ: Khó nhưng lợi ích lớn và bền vững

10:59, 17/09/2020

Chè hữu cơ có độ an toàn vệ sinh thực phẩm cao, đảm bảo chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Sử dụng chè hữu cơ đang là xu hướng tất yếu của người tiêu dùng trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm đang trong tình trạng báo động. Tuy nhiên, vì những quy trình nghiêm ngặt, việc chuyển đổi từ sản xuất chè truyền thống sang chè hữu cơ vẫn còn những khó khăn nhất định.

Tôn trọng lời hẹn, các đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè hữu cơ xóm 10, xã Tân Linh (Đại Từ) ngồi chờ chúng tôi sớm hơn 15 phút. Chúng tôi cảm thấy rất vui và ấn tượng vì điều đó. Nhưng vui hơn khi những người cán bộ, đảng viên ở xóm 10 nói về việc sản xuất chè hữu cơ với giọng đầy phấn chấn và tự hào, dù đây là một trong những phương pháp sản xuất chè còn lắm khó khăn...

Không tự hào sao được khi nhiều người trồng chè ở xóm 10 luôn đi tiên phong trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, mà điều đáng quý hơn là góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Anh Nguyễn Quốc Trưởng, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè hữu cơ xóm 10 vui vẻ nói: Gia đình tôi có hơn 1ha chè, tôi đã chuyển một nửa diện tích sang sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Gần 10 năm gắn bó với cây chè, hễ xóm triển khai phương pháp nào mới tôi đều tích cực hưởng ứng, từ IPM, VietGAP giờ đến hữu cơ. Tôi làm vậy, trước hết là vì sức khỏe của bản thân, những thành viên trong gia đình, sau đó là bảo vệ cộng động, bảo vệ người tiêu dùng khi được sử dụng sản phẩm chè an toàn.

Anh Trưởng nói vậy là hoàn toàn có cơ sở bởi trước kia, phần lớn người trồng chè vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp việc phun thuốc bừa bãi để kích thích mầm chè, thu hái không theo quy trình, không đảm bảo thời gian quy định, khiến môi trường bị ô nhiễm, sản phẩm chè tồn dư nhiều chất độc hại... Nay, việc sản xuất chè hữu cơ sẽ mang lại những hiệu quả, lợi ích thiết thực cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Bởi khi sản xuất chè hữu cơ, người nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình từ khâu chăm sóc, bón phân, thu hái đến sao, sấy, như: không sử dụng các chất hóa học (phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ...), người trồng chè hữu cơ chỉ sử dụng các chất thải tự nhiên (phân ủ hoai mục) và dùng các phương pháp tự nhiên để kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại (bắt sâu bằng tay, cắt cỏ)...

Tuy nhiên, chính từ những yêu cầu khắt khe trên, khi chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ, bước đầu, năng suất chè sẽ bị giảm trong khoảng thời gian từ 18-36 tháng (và chỉ được công nhận chè hữu cơ, sau khi thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp trên sau khoảng thời gian này); hình thức búp chè kém bắt mắt (không mập, vàng ngọn)... ảnh hưởng đến màu sắc nước trà và giá bán sản phẩm chè. Vì vậy, để thuyết phục người trồng chè chuyển sang sản xuất chè hữu cơ là không hề đơn giản, dù họ có thể hiểu ý nghĩa thiết thực của phương pháp này.

Đứng trước khăn đó, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo - doanh nghiệp đã luôn đồng hành cùng người trồng chè ở các xã, thị trấn như Hà Thượng, Tân Linh, Hùng Sơn... trên con đường “chinh phục” các thị trường và người tiêu dùng khó tính bằng chất lượng sản phẩm chè sạch, an toàn bằng việc tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ người trồng chè sản xuất chè theo quy trình VietGAP)  lại tiếp tục đồng hành cùng 51 hộ dân xóm 10, xã Tân Linh chuyển đổi gần 12ha chè cành sang sản xuất hưu cơ.

Chị Phùng Thị Mùi, cán bộ Phòng Cộng đồng, Công ty Núi Pháo, chia sẻ: Từ năm 2008, Công ty đã mời chuyên gia tư vấn của Công ty CP Chè Sông Cầu đến hướng dẫn các hộ dân thuộc các xã ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo như Hà Thượng, Cát Nê, Tân Linh... canh tác chè bền vững. Từ năm 2013 đến 2019, Công ty phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, tham quan học tập, đánh giá chất lượng để cấp giấy chứng nhận chè an toàn theo quy trình VietGAP cho gần 400 hộ dân trồng chè, với diện tích 91ha, tổng kinh phí hỗ trợ trên 600 triệu đồng. Năm vừa qua, Công ty tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Từ, chính quyền xã Tân Linh thực hiện hỗ trợ chuyển đổi diện tích gần 12ha chè liền vùng, liền thửa canh tác truyền thống sang canh tác chè hữu cơ. Bước đầu tuy còn khó khăn, nhưng tôi tin mô hình này sẽ thành công bởi những tính ưu việt mà chè hữu cơ mang lại.

Ghi nhận những đóng góp tích cực của Công ty Núi Pháo, ông Phạm Ngọc Tân, Bí thư Chi bộ xóm 10 nói: Trong những năm qua, cán bộ Công ty Núi Pháo đã rất nhiệt tình, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động người nông dân trong vùng ảnh hưởng bởi Dự án nói chung và người dân Tân Linh nói riêng trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè sạch, an toàn. Chúng tôi chưa thấy một công ty nào làm tốt trách nhiệm với cộng đồng như Công ty Núi Pháo. Họ luôn hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng bởi Dự án cả tinh thần lẫn vật chất, đồng hành cùng người nông dân áp dụng cái mới, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để xóa đói, giảm nghèo bền vững. Xóm tôi có 106 hộ, 100% số hộ trồng chè với hơn 140ha chè kinh doanh; 50% số hộ đang áp dụng phương pháp sản xuất chè hữu cơ.

Tiếp chuyện, anh Phạm Ngọc Năm, người có diện tích chè hữu cơ nhiều nhất xóm 10 (1,7mẫu) cho biết: Tôi luôn tự hào về sản phẩm chè xóm 10 có chất lượng ngon nhất xã, nay lại được nhiều hộ hưởng ứng sản xuất chè hữu cơ. Hy vọng hương chè xóm 10 sẽ ngày càng bay xa để nhiều người biết đến, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân quê tôi.