Bảo vệ vật nuôi thời điểm giao mùa

10:46, 28/10/2020

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, nhiệt độ, độ ẩm biến động mạnh sẽ làm suy giảm sức đề kháng của vật nuôi, nguy cơ phát sinh dịch bệnh gây hại đến đàn gia súc, gia cầm là rất lớn. Do đó, huyện Đồng Hỷ đang chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường các biện pháp, hướng dẫn các hộ dân tích cực chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi.

Ý thức được những nguy hiểm của dịch bệnh, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa nên gia đình ông Đỗ Xuân Thủy, ở xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa đặc biệt chú trọng việc chăm sóc gần 9.000 con gà lông trắng trong trang trại của mình. Ông Thủy cho biết: Chúng tôi phải thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để có cách chăm sóc phù hợp. Hiện nay, ban ngày thời tiết nắng nhưng đêm nhiệt độ lại xuống thấp nên gia đình phải bật hệ thống sưởi ấm gà vào gần sáng, bởi nếu gà bị bị nhiễm lạnh sẽ dễ mác các bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng các loại vắc xin, vệ sinh chuồng trại cũng được chúng tôi thường xuyên quan tâm.

Cũng như ông Thủy, gia đình anh Âu Văn Phương, ở xóm Xuân Quang, xã Quang Sơn thời điểm này phải dùng lưới, bạt để che chắn cho 15 con lợn nái khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Anh Phương chia sẻ: Bình thường, nếu thời tiết khô ráo, nền nhiệt độ ổn định (từ 20 độ C trở lên) thì chăm sóc vật nuôi không khó khăn. Tuy nhiên, khi độ ẩm xuống thấp hơn, sức đề kháng của vật nuôi kém, dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là các bệnh như: Dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng... Do đó, gia đình tôi luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô thoáng, mắc lưới tránh ruồi và muỗi đốt, lây nhiễm bệnh cho đàn lợn. Về đêm, gia đình che thêm bạt quanh chuồng để chắn gió lạnh lùa vào.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có khoảng 30.000 con lợn, hơn 5.000 trâu, bò và hơn 1 triệu con gia cầm. Theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, thời điểm giao mùa, trời nắng nóng kèm mưa ẩm xen kẽ, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm, đàn gia súc, gia cầm dễ mắc các bệnh như: Cúm, tiêu chảy, viêm phổi... Để chủ động phòng, chống, người chăn nuôi cần che chắn chuồng trại cẩn thận, tránh mưa tạt, gió lùa; khi nhiệt độ giảm cần giữ ấm cho vật nuôi, nhất là những vật nuôi còn non cần phải có chuồng úm, đèn sưởi; thường xuyên vệ sinh chuồng trại và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Ngoài cách chăm sóc tốt, có chế độ dinh dưỡng hợp lý thì việc tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi khá quan trọng thời điểm này. Vừa qua, chúng tôi cũng đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức tiêm phòng đợt 2 của năm 2020 cho đàn vật nuôi, đồng thời tổ chức phun tiêu độc khử trùng chuồng trại trên địa bàn 15 xã thị trấn.

Theo đó, phòng chuyên môn đã tiến hành tiêm được trên 4.325 liều vắc xin lở mồm, long móng; gần 4.400 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò; hơn 13.000 liều dịch tả lợn; gần 12.500 liều tụ dấu lợn; 52.000 liều cúm gia cầm… Ngoài ra, huyện cũng đã tiến hành cấp 2.450 lít hóa chất cho các xã, thị trấn phun tiêu độc khử trùng. Chị Âu Thị Luyến, cán bộ thú y xã Quang Sơn cho biết: Những hộ chăn nuôi quy mô trang trại chấp hành rất tốt các quy định tiêm phòng, hệ thống chuồng trại được đầu tư kỹ càng nên đã hạn chế việc phát sinh dịch bệnh. Thời gian qua, chúng tôi tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở bà con thường xuyên vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; bổ sung thêm một số vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Trường hợp vật nuôi có biểu hiện của bệnh nguy hiểm, có dấu hiệu lây lan cần thông báo kịp thời đến cán bộ thú y để có biện pháp xử lý.

Ông Nguyễn Xuân Quang cho biết thêm: Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân khi có nhu cầu vận chuyển gia cầm cần chú ý cập nhật thông tin về thời tiết, tránh vận chuyển vào những ngày có mưa lạnh, gió lùa; chú ý đảm bảo đúng các quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm việc kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn…