Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm, từ một hộ sản xuất nhỏ lẻ, không có tiếng tăm, đến nay, chị Tống Thị Xuyến, xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh (huyện Phú Lương) đã thành lập Cơ sở sản xuất và kinh doanh chè Hoan Xuyến và từng bước khẳng định được thương hiệu các sản phẩm chè của Cơ sở trên thị trường.
Theo chia sẻ của chị Tống Thị Xuyến: Trước đây, gia đình tôi chỉ tập trung tăng sản lượng chè bán ra mà chưa chú ý đến chất lượng. Trong quá trình sản xuất, tôi thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học với liều lượng lớn; khu chế biến chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống mà còn ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị sản phẩm chè. Với diện tích chè khoảng 3000 m2, vào năm 2010, trung bình mỗi lứa tôi chỉ thu được 3 tạ chè búp khô, giá bán ra dao động từ 60 đến 100 nghìn đồng/kg.
Kể từ sau khi thành lập Làng nghề chè xóm Trung Thành 2 vào năm 2014 và Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP vào năm 2017, chị Xuyến cũng như các hộ dân khác trong xóm đã có cơ hội tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về sản xuất chè VietGAP. Nhờ vậy, chị đã nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất chè an toàn đối với môi trường sống cũng như vị thế sản phẩm trên thị trường.
Ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, chị đã mạnh dạn tiên phong trong việc trồng thêm các giống chè giâm cành có năng suất cao như: LDP1, TRI 777…; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và bón phân hữu cơ đảm bảo liều lượng, thời gian cách ly theo quy định. Ngoài ra, chị cũng tranh thủ những nguồn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư tu sửa Khu chế biến chè an toàn với diện tích 200 m2, tách biệt hẳn với khu vực sinh hoạt hàng ngày của gia đình; mua tôn quay, máy vò bằng Inox, tôn sao Gas, máy ủ hương, máy hút chân không… Thông qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè.
Không chỉ vậy, nhận thấy nhu cầu của khách hàng về mặt hàng chè VietGAP ngày càng lớn, với cương vị là Trưởng xóm kiêm Trưởng làng nghề và Tổ trưởng tổ VietGAP, chị Xuyến cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tham gia tổ sản xuất chè VietGAP để để đảm bảo sức khỏe của chính mình, người tiêu dùng. Qua đó đã góp phần hình thành vùng nguyên liệu chè đảm bảo chất lượng tại địa phương. Hiện, toàn xóm đã có 38 hộ dân tham gia Tổ hợp tác sản xuất che VietGAP với diện tích sản xuất là 15 ha.
Song hành cùng việc xây dựng vùng nguyên liệu chè an toàn, chị Xuyến cũng đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất, chế biến chè tại địa phương. Nghĩ là làm, chị đã thành lập Cơ sở chế biến và kinh doanh chè Hoan Xuyến để liên kết thu mua chè búp tươi cho các thành viên trong tổ VietGAP, sau đó đem về chế biến, đóng gói và tiêu thụ. Chị Xuyến cho biết: Các tổ viên trong tổ VietGAP đều đã ký cam kết tuân thủ đúng quy trình sản xuất chè an toàn, vì vậy, việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào sẽ thuận lợi hơn. Ngoài ra, trước khi đưa vào chế biến, tôi đều kiểm tra nguyên liệu kỹ lưỡng thông qua màu sắc và mùi vị của búp chè. Nhờ vậy, các sản phẩm chè khi cung ứng trên thị trường đều đảm bảo chất lượng. Hiện, cơ sở của tôi đang bao tiêu nguyên liệu chè búp tươi cho trên 10 hộ dân trong xóm với sản lượng trung bình khoảng 9 tấn chè búp tươi/tháng.
Bằng sự tâm huyết, nỗ lực không ngừng, chất lượng sản phẩm chè của Cơ sở sản xuất và kinh doanh chè Hoan Xuyến ngày càng nâng cao, tạo được sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và dần khẳng định được vị thế trên thị trường. Hiện nay, cơ sở của chị đang cung cấp đa dạng các loại sản phẩm như: chè móc câu loại đặc biệt; chè đinh loại đặc biệt; nõn tâm trà loại 1 lá; nõn tâm trà loại 2 lá… Ngoài thị trường trong tỉnh, giờ đây, sản phẩm chè của Cơ sở đã được phân phối tại Hưng Yên, Hà Nội, Đồng Nai, Ninh Bình. Năm 2019, sản lượng chè búp khô tiêu thụ đạt 16 tấn/năm (tăng gần 10 tấn so với năm 2015), với giá thành từ 200 nghìn đến hơn 2 triệu đồng/kg (tùy từng sản phẩm).
Chất lượng sản phẩm của Cơ sở sản xuất và kinh doanh chè Hoan Xuyến còn được khẳng định hơn khi mà vào năm 2018, sản phẩm chè xanh Hoan Xuyến đã được Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam chứng nhận Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Năm 2020, sản phẩm Nõn tâm trà đã được UBND huyện Phú Lương chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện; Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam chứng nhận Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.
Tiếp nối những thành quả đạt được trong những năm vừa qua, chị Tống Thị Xuyến cho biết: Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm chè; trong đó, đặc biệt tập trung phát triển chất lượng, thương hiệu sản phẩm chủ lực Nõn tâm trà. Bên cạnh đó, để mở rộng thị trường, tôi đang phối hợp với các Hợp tác xã khác trên địa bàn tỉnh để hình thành liên kết trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.