Dồn điền, đổi thửa để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp

14:13, 20/10/2020

Với mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, ngay sau Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, xã Ký Phú (Đại Từ) đã tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện Nghị quyết về dồn điền, đổi thửa, tạo bước đột phá nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Ký Phú là xã vùng núi, xã hiện có 10 xóm, gần 2.500 hộ, với 8.500 nhân khẩu, đời sống người dân sống nhờ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết người dân địa phương đều làm nông nghiệp theo cách truyền thống, sản xuất manh mún, chưa ứng dụng được nhiều khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vì vậy, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm còn thấp. Xác định, muốn nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp thì cần phải sản xuất với quy mô lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, để làm được điều này, Đảng bộ xã đã xây dựng Nghị quyết số 10-NQ/ĐU ngày 10/8/2020 về thực hiện DĐĐT trên đất nông nghiệp.

Đồng chí Đặng Lê Ninh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đây là mô hình mới, chưa có hướng dẫn cụ thể nên quá trình triển khai còn bỡ ngỡ. Thêm vào đó, do địa hình không đồng đều, một số lô không bằng phẳng trong khi kinh phí hỗ trợ san gạt mặt bằng thấp hơn nhiều so với thực tế. Ngoài ra, người dân vẫn canh tác theo tính thời vụ nên nếu không thực hiện DĐĐT một cách đồng bộ, kịp thời sau khi thu hoạch cây trồng, thì khi nhân dân tiếp tục canh tác mùa vụ tiếp theo, việc dồn đổi sẽ thêm khó khăn hơn... Trước những khó khăn này, để thực hiện được “cuộc cách mạng” về ruộng đất thì cả hệ thống chính trị cần quyết tâm, nỗ lực và phải có được sự đồng thuận của người dân.

Vì vậy, xã đã tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là ở xóm, đảm bảo công khai, dân chủ, giữ vững ổn định tình hình nông thôn, vận động nhân dân thực hiện góp đất, hiến đất, đổi đất... Để công tác DĐĐT được người dân đồng thuận, sau khi thống nhất chủ trương, phương án, xã đã triển khai họp dân, lấy ý kiến, giải thích cặn kẽ về mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích dài lâu của việc thực hiện nghị quyết DĐĐT. Đồng thời, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã, các tổ công tác của các xóm và xây dựng kế hoạch DĐĐT, xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

Toàn xã có hơn 300ha đất nông nghiệp, theo kế hoạch xã thực hiện dồn điền đổi thửa 25ha, thuộc cánh đồng Na và đồng Cháy của 5 xóm: Cạn, Đặn 1, Đặn 2, Đặn 3 và Cả. Diện tích này đã giao ổn định cho hộ gia đình khoảng 24ha, với 600 thửa, thuộc trên 300 hộ dân, còn lại là đường giao thông, bờ vùng, bờ thửa. Tại khu vực này đã có hệ thống kênh mương chính được kiên cố hóa chạy dọc cánh đồng, đáp ứng nhu cầu dẫn nước đến vùng sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống mương nhánh dẫn nước vào từng thửa đến nay chưa được bố trí hợp lý, hệ thống kênh tiêu nước chưa đảm bảo, đường giao thông nội đồng nhỏ hẹp, đã xuống cấp không thể đưa thiết bị, phương tiện cơ giới vào phục vụ sản xuất. Theo kế hoạch, riêng trong năm 2020, trên cơ sở đất của xóm nào giữ nguyên đất xóm đó, xã sẽ thực hiện DĐĐT khoảng 20ha, sau khi dồn đổi giảm khoảng 200 thửa so với trước đây, bình quân 1ha còn 11 thửa, mỗi thửa có diện tích trung bình 400m2, mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa đất.

Đến nay, phương án DĐĐT của xã đã được người dân đồng thuận cao. Thể hiện ở việc người dân đã nhất trí phương án DĐĐT, đồng thời trên 300 hộ dân đã hiến 1,5ha đất để mở rộng đường giao thông nội đồng. Ông Nguyễn Văn Sơn, xóm Đặn 1 cho biết: Do ruộng ở đây manh mún, nhỏ hẹp, nên trước đây máy móc không thể vào làm được, chúng tôi chủ yếu phải làm thủ công. Việc DĐĐT sẽ giúp khắc phục được khó khăn này, phá bỏ bờ vùng cũ để quy hoạch lại thành cánh đồng lớn, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Do vậy, chúng tôi rất ủng hộ việc làm này, nhiều nhà phá bỏ diện tích mía để hiến đất xây dựng đường nội đồng.

Không chỉ có vậy, việc DĐĐT còn nhằm lựa chọn đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất tập trung, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, sản xuất với quy mô lớn, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, tiến tới tạo chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện, địa phương được Nhà nước đầu tư xây dựng đường giao thông vào khu vực DĐĐT, với tổng chiều dài đường trục chính hơn 2km, gần 1km đường nhánh và gần 1km kênh mương. Đến nay, tuyến đường đã hoàn thành đổ bê tông được 1,3km, mặt đường rộng 5m, phần còn lại đang thi công. Địa phương đang thực hiện việc đo đạc, căn thửa, quy hoạch cụ thể chi tiết. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu DĐĐT đúng theo kế hoạch, từng bước xây dựng xã Ký Phú trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.