Những năm qua, huyện Định Hóa đã thực hiện có hiệu quả chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng quản lý và sử dụng. Các xóm, khu dân cư trên địa bàn huyện cũng đã xây dựng Quy ước quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng, phát huy tính tự quản của nhân dân trong phòng cháy, chữa cháy và phát triển rừng.
Định kỳ hằng tuần, tổ quản lý, bảo vệ rừng của xóm Nà Mỵ, xã Linh Thông lại tập trung để tuần tra ở địa bàn được giao khoán bảo vệ với tổng diện tích trên 86ha. Hiện nay, toàn xã Linh Thông có 9/9 xóm đều có tổ quản lý, bảo vệ rừng. Công việc của tổ là chia thành nhiều tốp để tuần tra, kiểm tra hiện trạng rừng, thông báo tới người dân nâng cao cảnh giác nếu có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, nhất là vào mùa hanh khô.
Ông Nguyễn Văn Nhã, Trưởng xóm, Tổ trưởng tổ quản lý, bảo vệ rừng của xóm Nà Mỵ cho biết: Sau khi được tuyên truyền lợi ích của việc giữ rừng giúp bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, các hộ dân trong xóm đã cam kết không chặt phá rừng và tham gia bảo vệ rừng. Ngoài ra, tham gia mô hình quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng, xóm còn được hỗ trợ 400.000 đồng/ha/năm. Nguồn kinh phí này sẽ được huy động để đóng góp tu sửa đường giao thông, nhà văn hóa của xóm.
Đối với xã Tân Thịnh, thời gian qua, bà con trong xã cũng đã bảo vệ tốt quần thể cây chò chỉ với số lượng 130 cây, đường kính trung bình khoảng 70cm, trữ lượng gỗ ước tính khoảng 120m3, ở xóm Thịnh Mỹ 2. Để bảo vệ quần thể này, người dân đã xây dựng hương ước có nội dung tuyệt đối không xâm hại, tận thu bất kể một cành cây, que củi nào từ rừng chò chỉ. Theo ông Ma Thanh Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh: Toàn xã hiện có gần 6.000ha rừng, trong đó rừng phòng hộ 2.000ha, rừng sản xuất trên 3.000ha, còn lại là rừng đặc dụng. Việc xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng ở các xóm nhằm tăng cường tính tự quản của nhân dân trong bảo vệ và phát triển rừng và góp phần hỗ trợ việc thực hiện Luật Lâm nghiệp.
Toàn huyện Định Hóa có tổng diện tích đất tự nhiên là trên 51 nghìn héc ta, trong đó diện tích đất lâm nghiệp có rừng là trên 27 nghìn héc ta, chiếm 53,6%. Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Đức Sinh, Phó Ban quản lý rừng ATK Định Hóa cho hay: Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, thời gian qua, chúng tôi đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng Quy ước quản lý rừng cộng đồng đến từng thôn, bản, xóm trong xã. Hiện xã đã xây dựng Quy ước quản lý bảo vệ rừng cộng đồng của 24/24 xã, thị trấn với 418 xóm. Quy ước bảo vệ rừng đã và đang hỗ trợ việc điều chỉnh các hoạt động bảo vệ rừng. Quy ước cũng góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh trong cộng đồng, duy trì trật tự, kỷ cương, an ninh thôn xóm, ổn định chính trị - xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân có thu nhập chính đáng từ rừng. Nhờ thực hiện tốt Quy ước bảo vệ rừng, vài năm trở lại đây, trên địa bàn huyện không xảy ra những vụ phá rừng lớn, không có cháy rừng gây thiệt hại đáng kể, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng chuyển biến tích cực.
Có thể nói, việc quản lý, bảo vệ rừng theo quy ước trong cộng đồng ở Định Hóa không chỉ nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.