Chế biến lâm sản ở Phú Lương: Mở hướng đi mới để nâng cao giá trị

18:09, 18/11/2020

Phú Lương là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển ngành chế biến lâm sản. Tuy nhiên, ngành nghề này hiện vẫn còn manh mún, hiệu quả kinh tế chưa cao, thậm chí nhiều cơ sở phải đóng cửa. Trước thực trạng trên, những năm gần đây, một số cơ sở sản xuất kinh doanh đã có những hướng đi mới nhằm duy trì hoạt động ổn định, nâng cao giá trị chế biến lâm sản.

Huyện Phú Lương hiện có trên 16.000ha đất lâm nghiệp, trong có hơn 14.000ha rừng sản xuất. Đây chính là vùng nguyên liệu tiềm năng để phát triển ngành chế biến lâm sản trên địa bàn. Tuy nhiên, theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện, đến nay, toàn huyện có 159 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến lâm sản (giảm 31 cơ sở so với năm 2017). Trong số đó chỉ có khoảng 10% cơ sở hoạt động sản xuất và doanh thu ổn định. Còn lại, phần lớn các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động theo thời vụ, sản phẩm đầu ra chủ yếu là sản phẩm thô, với giá trị kinh tế không cao, thị trường tiêu thụ bấp bênh và phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Đức Tú, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Các cơ sở hoạt động tương đối ổn định là bởi có sự đầu tư đồng bộ về máy móc, thiết bị sản xuất; luôn chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, các cơ sở, doanh nghiệp đều cẩn trọng trong việc lựa chọn đối tác hợp tác uy tín. Phần lớn họ đều xuất bán cho các công ty chuyên thu mua để xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Đơn cử tại cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản Hùng Phát của anh Lương Văn Hùng, xóm Đá Mài, xã Yên Đổ. Trước đây, cơ sở chủ yếu chỉ sản xuất gỗ bóc, cung cấp nguyên liệu thô để bán cho các cơ sở thu mua trong nước. Tuy nhiên lợi nhuận thu được không cao và sản lượng đầu ra thiếu ổn định. Qua tham khảo, học hỏi, năm 2015, anh Hùng đã quyết định đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng để sản xuất các sản phẩm gỗ tinh, có giá trị kinh tế cao hơn. Từ đó, anh đã đầu tư hơn 25 tỷ đồng để mua 8 máy ép nóng, 1 máy ép nguội, 1 dây chuyền xếp ván, hệ thống nấu keo, nhà xưởng rộng hơn 6.000m2…

Anh Hùng cho biết: Hiện nay, cơ sở chúng tôi đang sản xuất mặt hàng ván ép Plywood với quy trình khép kín. Với mặt hàng này, chúng tôi đã kết nối để xuất bán được sang các thị trường uy tín như Hàn Quốc, Nhật Bản với lượng tiêu thụ luôn ổn định. Doanh thu mỗi năm của cơ sở đạt trung bình khoảng 5 tỷ đồng/năm. Hiện, cơ sở đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 50 công nhân với mức lương từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài cơ sở sản xuất của anh Lương Văn Hùng thì hiện nay trên địa bàn huyện cũng có một số hộ cá thể, doanh nghiệp khác cũng có những hướng phát triển mới để đảm bảo duy trì hoạt động ổn định như Công ty TNHH Lâm sản Hưng Thịnh (xã Tức Tranh), Doanh nghiệp tư nhân Yến Hùng (xã Yên Ninh), Hộ gia đình Trần Văn Kiên (xã Động Đạt)…

Tuy nhiên số cơ sở có hoạt động ổn định, hiệu quả như trên không nhiều. Trước thực tế này, ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Phú Lương đang khuyến khích việc thành lập hợp tác xã chế biến lâm sản và có cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm lâm sản, giảm dần các cơ sở nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, huyện cũng định hướng người dân trồng rừng gỗ lớn để từng bước nâng cao chất lượng, giá trị nguồn nguyên liệu gỗ trên địa bàn. Hiện, huyện đã hỗ trợ trồng thử nghiệm cây gió bầu tại xã Tức Tranh, Yên Đổ, Phủ Lý với tổng diện tích là 8,5ha.