Chống bán “chạy” lợn để dập dịch

07:23, 20/11/2020

Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 3 địa phương trong tỉnh và đang có chiều hướng diễn biến phức tạp tại những vùng trọng điểm chăn nuôi của tỉnh là T.X Phổ Yên và T.P Sông Công. Theo các chuyên gia, một trong những phương án dập dịch hiệu quả nhất chính là kiểm soát nghiêm ngặt việc bán “chạy” lợn từ vùng dịch ra bên ngoài.

Thực tế cho thấy, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước do công tác kiểm soát ban đầu thiếu chặt chẽ nên đã xuất hiện tình trạng giấu dịch, bán “chạy” lợn từ vùng dịch ra bên ngoài. Bởi thế, có những địa phương đáng lẽ dễ dàng dập dịch ngay từ ban đầu nhưng lại để bùng phát ra diện rộng, gây thiệt hại lớn gấp nhiều lần.

Đối với Thái Nguyên, trong đợt dập dịch tả lợn cách đây 2 năm, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện có hiện tượng hộ dân bán “chạy” lợn ra bên ngoài. Chính quyền địa phương ngay lập tức đã phải lập các điểm chốt chặn 24/24 giờ ở tất cả các ngả đường ra, vào vùng dịch để ngăn tình trạng đưa lợn bệnh ra thị trường tiêu thụ. Ở thời điểm này, tại các vùng dịch của Thái Nguyên, cơ quan chức năng chưa phát hiện, xử lý trường hợp nào, song theo phản ánh của dư luận vẫn có hiện tượng ngấm ngầm tuồn lợn ra bên ngoài. Việc làm này diễn ra chủ yếu tại một số vùng chưa công bố dịch, nhưng đã xuất hiện tình trạng lợn chết rải rác ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đây là thực tế cần được cơ quan chức năng, chính quyền sở tại rà soát, nắm bắt và có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Chính những vùng chưa công bố dịch mới dễ khiến người dân chủ quan, xem nhẹ công tác phòng, chống.

Câu hỏi đặt ra là vì sao lại có tình trạng bán “chạy” lợn? Thực tế cho thấy, vùng nào đã công bố dịch hoặc có nguy cơ phát dịch thường không thể thực hiện các giao dịch mua bán, nếu có thì giá lợn bị giảm, thấp hơn nhiều hơn so với giá ngoài thị trường. Trong khi đó, mức hỗ trợ giá lợn sau khi tiêu hủy của địa phương cũng như các thủ tục, thời gian hỗ trợ tùy từng nơi còn thấp, kéo dài. Do vậy, rất dễ dẫn đến tình trạng người chăn nuôi cố tình giấu dịch để bán “chạy” lợn ốm.

Giới chuyên môn cho rằng, kinh nghiệm dập dịch của nhiều nước chính là tiêu hủy nhanh tại chỗ và hỗ trợ cao cho các hộ chăn nuôi không may có lợn bị nhiễm dịch. Bên cạnh đó, lập chốt kiểm dịch và chống bán “chạy” lợn từ vùng có dịch là việc làm sống còn. Do đó, đối với tỉnh ta, việc nhanh chóng rà soát phát hiện sớm từ các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ những dấu hiệu bệnh, dịch để khoanh vùng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống, dập dịch. Đối với những vùng đã có dịch cần xác định mức độ, công bố dịch và lập ngay các chốt ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán lợn; tiến hành tiêu hủy kịp thời… Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người chăn nuôi có ý thức phòng, chống dịch, nghiêm túc thực hiện cam kết “5 không” theo yêu cầu của cơ quan thú y.