Đổi thay ở Sảng Mộc

08:11, 03/11/2020

Đến với Sảng Mộc (Võ Nhai), chúng tôi khá bất ngờ trước sự đổi thay của một xã có số hộ đồng bào các dân tộc thiếu số như Tày, Nùng, Dao, Mông chiếm trên 80%. Hiện nay, các công trình kết cấu hạ tầng như trạm y tế, trường học, đường giao thông… ở xã đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Tuy nhiên, nét mới đáng chú ý nhất ở xã vùng cao này chính là sự đổi thay trong tư duy của lãnh đạo địa phương và người dân khi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dần hướng tới sản xuất hàng hóa. 

Đến xã Sảng Mộc bây giờ, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất là những vườn cam xanh hút tầm mắt. Tuy mới được đưa vào trồng khoảng 4 năm trở lại đây nhưng nhiều vườn cam đã cho thu hoạch. Anh Triệu Trung Tiên, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: Hiện nay, xã có khoảng 15ha cam, nằm rải rác ở tất cả các xóm (xã có 10 xóm). Là loại cây trồng khá mới mẻ nhưng qua một thời gian trồng, chăm bón cho thấy cam khá hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khi hậu của địa phương; cho năng suất khá, chất lượng quả tốt, được thị trường trong, ngoài huyện đón nhận. 

Để được “mục sở thị” những trái cam “made in Sảng Mộc”, chúng tôi đã lặn lội đến một số vườn cam lớn của xã. Trong đó có vườn cam của ông Nông Văn Toàn, xóm Phú Cốc - một trong những hộ dân tiên phong trồng 2ha cam ở Sảng Mộc. Theo ông Toàn, khi gia đình mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để phát dọn vườn bãi, mua giống cam sành về trồng (năm 2016), rất nhiều người dân trong xã băn khoăn về tính hiệu quả của cây cam sành. Tuy nhiên, sau 3 năm, cây bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên. Dù năng suất chưa cao nhưng chất lượng quả cam khiến ông rất hài lòng. Năm nay, bước vào vụ thu hoạch thứ hai, không chỉ chất lượng quả tốt, mẫu mã đẹp mà năng suất cam chắc chắn cao hơn năm trước. Đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch nên gia đình ông Toàn đã chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ phục vụ cho việc thu hái như rổ, sọt, kéo cắt quả…

Tuy mới bước vào vụ thu hoạch thứ hai nhưng ông Toàn khá tin tưởng vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình mình. Trước đây, khi chưa trồng cam, toàn bộ diện tích vườn bãi của gia đình chủ yếu trồng ngô, các loại cây trồng kém hiệu quả (ổi, vải, cây tạp) hoặc bỏ trống nên rất lãng phí.

Đường lên bản người Mông Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) dài trên 7km đã được đầu tư đổ bê tông, tạo điều kiện đi lại, vận chuyển nông, lâm sản thuận lợi cho nhân dân địa phương.

Không chỉ đưa cây cam vào trồng, nhiều hộ dân trong xã còn mạnh dạn trồng các loại cây có tiềm năng về năng suất, chất lượng, đầu ra như bưởi Diễn, măng tây và cây dược liệu... Ngoài ra, nhiều hộ còn đưa các loại giống lúa lai năng suất, chất lượng vào gieo cấy thay cho các giống lúa địa phương năng suất thấp. Anh Tiên cho biết thêm: Hiện nay, số hộ mạnh dạn trồng các loại cây mới có giá trị kinh tế cao của xã chiếm đến hơn 20% tổng sống hộ dân. Đó là chưa kể đến những hộ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại giống mới (ngô lai, lúa lai…).

Ví dụ như các gia đình ông Triệu Kim Chắn; Bàn Kim Quý, xóm Tân Lập, đều là người con của đồng bào dân tộc Dao, đã mạnh dạn trồng bưởi Diễn (mỗi hộ trên dưới 200 cây). Hiện nay, số bưởi này tuy chưa cho thu hoạch nhưng phát triển tốt, dự kiến sẽ cho quả vào vụ thu hoạch năm sau. Hay như các hộ dân ở hai xóm Bản Chương 2 và Phú Cốc đã mạnh dạn trồng cây khôi nhung tía - loại cây dược liệu quý, trị bệnh dạ dày rất tốt… Do mới chuyển đổi, phần lớn diện tích cây trồng giống mới chưa được thu hoạch nhưng vẫn cho thấy những triển vọng và nhiều tiềm năng. Đặc biệt, giúp làm thay đổi tư duy và nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân trong xã.

Có thể thấy, những năm qua, trên nền tảng xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền xã Sảng Mộc đã làm tốt công tác vận động người dân mạnh dạn đưa các loại giống cây trồng mới vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm nông sản phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, hướng tới sản xuất thành hàng hóa quy mô khá lớn. Theo đó, địa phương đã phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Cùng với đó, xã đã quan tâm đến công tác khuyến nông, giúp nông dân có điều kiện trau dồi, trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất. Hằng năm, xã đều phối hợp với đơn vị chuyên môn của huyện Võ Nhai tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về chăm sóc cây ăn quả sau thu hoạch, ủ lúa giống vụ xuân, vụ mùa; giới thiệu các giống cây có tiềm năng cho người dân…