Ngày 13-11, tại T.P Thái Nguyên, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 khu vực phía Bắc. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị. Tham dự về phía tỉnh có đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đến hết tháng 10-2020, cả nước có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm OCOP. Theo đó, đã có trên 2.160 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên, đạt 90,4% mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2018-2020. Đối với khu vực miền Bắc, đã có 22/25 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng gần 500 sản phẩm OCOP, chiếm 55,74% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước. 4/5 tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất cả nước là: Hà Nội 301 sản phẩm; Quảng Ninh 191 sản phẩm; Hà Giang 120 sản phẩm; Bắc Kạn 105 sản phẩm. Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh của từng địa phương.
Đối với Thái Nguyên, sau 2 kỳ đánh giá, toàn tỉnh có 76 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao. Trong đó, có 7 sản phẩm lập hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá xếp hạng 5 sao.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào một số nội dung: Đánh giá những thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp triển khai Chương trình OCOP khu vực miền Bắc trong thời gian tới; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP; tác động của Chương trình OCOP đến phát triển kinh tế khu vực nông thôn; phát triển OCOP gắn với khai thác thương hiệu cộng đồng…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, OCOP là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các địa phương rà soát lại các sản phẩm chủ lực để phát triển thành sản phẩm OCOP gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó, các địa phương cần quan tâm tới hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, đẩy mạnh kết nối mạng lưới sản phẩm OCOP cấp vùng, quốc gia và quốc tế…