Chớm đông, từng cơn gió ùa về mang theo cái lạnh se sẽ. Dừng chân ở không gian thưởng trà của HTX chè Hương Vân ở tổ 11, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên), chúng tôi thấy lòng mình ấm lại khi được nhấp ngụm nước chè Tân Cương sóng sánh, thơm ngát, nóng hổi. Ở nơi thành phố tấp nập này, thật hiếm để tìm được một không gian thưởng trà nào khoáng đạt như ở Hương Vân Trà. Và điều khiến chúng tôi bất ngờ hơn khi biết đây cũng là nơi cung cấp sản phẩm chè được sản xuất theo chuỗi giá trị.
Gian nan ngày khởi nghiệp
Khi chia sẻ với chúng tôi về những gian nan ngày đầu khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Hương Vân, Giám đốc HTX cho biết: Hơn 20 năm trước, tôi kinh doanh sản phẩm chè Tân Cương với quy mô nhỏ lẻ. Không sinh ra và lớn lên ở vùng chè, thời điểm mới bắt tay vào kinh doanh, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm nên chưa phân biệt được thế nào là chè ngon, thế nào là chè không ngon. Bởi thế, khi mua phải chè phẩm cấp thấp với giá cao, tôi chấp nhận lỗ hơn một nửa số vốn bỏ ra. Cả những lúc giá bán chè bấp bênh, tôi cũng phải chịu nhiều thua lỗ. Sau một thời gian, tôi từ bỏ chè để tìm hướng kinh doanh khác. Nhưng cuộc đời giống như một vòng tròn vậy, quay đi, quay lại, cuối cùng tôi thấy mình mang quá nhiều “duyên nợ” với cây chè. Bởi thế, tôi lại quay về toàn tâm, toàn ý phát triển mạng lưới kinh doanh chè đến khắp nơi trong nước và sau này là ra một số nước trên thế giới như: Séc, Anh, Pháp, Đức…
Ban đầu, chị Vân chỉ làm| “hàng xáo”, nghĩa là vào vùng chè Tân Cương, thu mua chè của các hộ dân rồi về lấy hương bán cho khách. Lâu dần, chị nhận ra rằng, làm theo cách này phải phụ thuộc rất nhiều vào người sản xuất. Giả dụ như khách hàng thích chè nõn hoặc yêu cầu loại chè một tôm, hai lá, có rất ít hộ dân đáp ứng được yêu cầu này. Bởi trước đây, người dân Tân Cương vì ham năng suất, thu hái cả những lá chè đã già nên những sản phẩm chè làm ra không đáp ứng được thị hiếu của những khách hàng khó tính.
Cùng từ những kinh nghiệm thực tế ấy, khoảng 10 năm trước, chị Vân bắt đầu tìm hiểu về thật kỹ về cây chè, từ quy trình trồng, chăm bón, thu hái, chế biến. Rồi chị mạnh dạn liên kết với 20 hộ dân ở vùng chè Tân Cương để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất chè. Với mục tiêu mang đến cho người thưởng chè những sản phẩm an toàn, chất lượng, chị yêu cầu bà con phải sản xuất chè theo quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chị nói: Lâu nay, trên thị trường vẫn có tình trạng kinh doanh chè Tân Cương theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, nhiều sản phẩm chất lượng thấp khi đưa đến tay người tiêu dùng đã bị đẩy giá bán lên rất cao. Do đó, từ sự liên kết này, tôi đã mang đến cho người yêu thích ẩm thực trà những sản phẩm có giá bán tương xứng với chất lượng.
Càng tìm hiểu, chị càng yêu và dành tâm huyết cho cây chè nhiều hơn. Mỗi cánh chè sau khi chế biến không chỉ đơn giản là có màu đen, mang hình móc câu, có hương thơm, vị đượm, chát nơi đầu lưỡi, ngọt nơi cuống họng mà nó còn mang nét đẹp văn hóa của đất và người dân đất Việt. Chị Vân bảo: Uống trà cần có sự tiết độ, người biết về trà thường không uống nhiều, uống đặc và cũng không uống liên tục bởi trà đại diện cho sự thanh tao, tạo không gian để suy ngẫm khiến đầu óc tỉnh táo hơn. Uống trà để giữ tâm thanh tịnh, làm điều thiện, tránh điều ác, để lưu giữ một nét văn hóa thanh lịch và tỏa hương. Chính vì vậy thưởng trà đã trở thành một nghệ thuật tao nhã của người Việt, cần được gìn giữ, thấu hiểu và trân trọng.
Và đây cũng là lý do để đầu năm 2019, chị dành nhiều thời gian, công sức đầu tư không gian thưởng trà vừa mang phong cách truyền thống kết hợp với yếu tố hiện đại pha chút “độc, lạ” có thể đáp ứng được nhu cầu của thực khách: Hương Vân Trà. Được bố trí với tông màu nhẹ nhàng, bằng các vật liệu tự nhiên, từ những bộ bàn ghế được làm bằng gỗ với thiết kế mộc mạc, đến những bộ ấm, chén trà cổ, phòng trà đã mang lại cho người thưởng trà thêm yêu trà hơn. Những ai yêu quý sản phẩm trà nơi đây, khi ra về có thể đến quầy trưng bầy mua chè và cả những bộ ấm độc đáo để pha trà. Anh Dương Văn Đạt, khách hàng thường xuyên đến đây thưởng trà cho hay: Tôi rất thích không gian thưởng trà ở đây. Mỗi khi ngồi thưởng thức chén trà thơm ngát, tôi thấy tâm hồn mình thanh thản, dường như quên đi hết những bộn bề, ồn ã của “thế giới” ngoài kia.
Tiên phong sản xuất chè theo chuỗi
Giờ đây, Hương Vân Trà không chỉ mang dấu ấn của một không gian trà độc đáo mà còn là cơ sở đầu tiên của tỉnh sản xuất chè theo chuỗi giá trị. Chị Lê Hoàng Cúc, một du khách đến từ Hà Nội nói: Chè Tân Cương vốn đã nức tiếng từ bao đời nay bởi hương thơm, vị đượm. Tuy nhiên, để yên tâm về chất lượng thì sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị của Hương Vân Trà chính là sự lựa chọn “số một” cho những người tiêu dùng thông thái. Đây cũng chính là lý do để mỗi lần đến Thái Nguyên, tôi đều tìm đến Hương Vân Trà mua chè về thưởng thức và biếu người thân.
Từ chia sẻ của du khách, tôi rất muốn được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất chè khép kín theo chuỗi của HTX. Vì vậy, một ngày cuối tháng 10, tôi đã theo chân những người nông dân đến vùng chè nguyện liệu rộng 15ha của HTX chè Hương Vân. Trò chuyện cùng các hộ dân ở đây, khi nhắc đến chị Vân, mọi người thường dành cho chị những “lời có cánh”. Người thì nói chị là “thần tài” cụa họ vì chị tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm chè nơi đây; người thì bảo chị giống như kỹ sư trồng trọt, hướng dẫn bà con cách sản xuất chè an toàn rất tận tình… Tuy nhiên, khớp nối những thông tin bà con cung cấp, tôi nhận thấy chị Vân là người khá mạnh dạn như quyết định sản xuất chè theo chuỗi giá trị (từ năm 2017). Bởi để sản xuất theo chuỗi phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu như: Đảm bảo quy trình sản xuất trồng trọt; quy trình sản xuất chế biến; có kênh tiêu thụ sản phẩm. Và để đáp ứng các yêu cầu này, HTX phải hướng dẫn người trồng chè kỹ thuật sản xuất đạt hiệu quả kinh tế, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng tiếp cận với công nghệ, nguồn lực sản xuất và thị trường mới, tăng vị thế khả năng cạnh tranh. Tiếp đó, đơn vị phải trở thành cầu nối để liên kết nông dân với nhau. Từ đó, tạo ra nguồn nguyên liệu sạch, thu hái, chế biến, bảo quản đúng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu thị tường tốt hơn. Đồng thời, tăng khả năng quản lý về chất lượng sản phẩm, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trài lòng cùng chúng tôi, chị Vân kể về những ngày đầu thực hiện sản xuất chè theo chuỗi giá trị đầy gian khó: Trước đây, người dân chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ quy trình; thu hái khi chưa đủ thời gian cách ly; chế biến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Có những hộ dân đã được cán bộ chuyên môn của chúng tôi hướng dẫn vài lần mà vẫn bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật theo quán tính. Khó khăn là thế, nhưng chị Vân vẫn kiên trì đồng hành của bà con. Và thành quả có được ngày hôm nay chính việc các hộ dân liên kết với HTX đã quen với kỷ luật “sắt” của hàng dãy nguyên tắc, đó là “4 đúng”, ghi chép quy trình, thời gian bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly trước khi thu hái vào sổ tay; cập nhật số liệu, quá trình sinh trưởng của cây chè hàng tuần, hàng tháng...
Cùng chị Vân bước bên những nương chè ngát xanh nơi vùng đất Tân Cương, chúng tôi hít một hơi căng đầy lồng ngực hương thơm dịu dàng quyến rũ của những búp chè non tươi. Cây chè đã trở thành biểu tượng mang tâm hồn xứ Thái, được nhiều người thưởng trà trong và ngoài nước biết đến như một thứ đặc sản quý. Và trong thành quả ấy có sự góp phần của người phụ nữ nhỏ bé - Nguyễn Thị Hương Vân.