Trong sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) có vai trò quan trọng, vừa là cầu nối đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất vừa giúp bà con kết nối tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Thời gian qua, bên cạnh sự năng động, sáng tạo của các mô hình kinh tế tập thể, huyện Đồng Hỷ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò “bà đỡ” của HTX, THT cho nông dân.
Mặc dù mới đi vào hoạt động hơn 1 năm (thành lập tháng 7-2019) nhưng sản phẩm chè của HTX Chè Sáo Thịnh, xóm Trại Cài, xã Minh Lập đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Hiện nay, HTX đang thu mua sản phẩm chè búp tươi cho 50 hộ dân trong vùng. Bình quân, mỗi tháng, HTX xuất bán ra thị trường từ 4-5 tấn chè búp khô, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Ông Dương Quang Phú, Giám đốc HTX cho biết: Trước đây, sản phẩm chè của người dân chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Với mong muốn đưa sản phẩm chè của địa phương ra thị trường, tôi đã đứng lên thành lập HTX, ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm chè búp tươi cho người dân. Hiện nay, tất cả các sản phẩm chè của HTX đều được sản xuất theo quy trình VietGAP.
Được biết sau khi thành lập, HTX đã kết nối với các ngành chức năng của tỉnh, huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ thuật sản xuất, chế biến sản phẩm phẩm chè cho các thành viên. Chị Dương Thị Xuân, thành viên của HTX Chè Sáo Thịnh cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng chè theo hộ cá thể, giá bán thấp (chỉ từ 100.000-150.000 đồng/kg chè búp khô), đầu ra lại không ổn định. Tuy nhiên, từ khi tham gia vào HTX, các vấn đề trên đều được giải quyết. Gia đình giảm được công sao sấy vì bán chè tươi cho HTX; tiết kiệm được chi phí sản xuất; sản phẩm thu hái đến đâu bán hết đến đó mà thu nhập tăng từ 10-15% so với trước.
Đối với HTX chè Tuyết Hương, ở xóm Na Long, xã Hóa Trung, ngoài việc hỗ trợ các thành viên bồi dưỡng các các kỹ năng về chăm sóc, sản xuất, chế biến chè, HTX còn hỗ trợ kết nối vay vốn tín dụng với lãi suất thấp, cung ứng thông tin về thị trường, mua phân bón trả chậm… Chị Trần Thị Tuyết, thành viên của HTX cho biết: Khi vào HTX, tôi được tiếp cận sớm với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, sản xuất hay chế biến chè, năng suất nhờ đó được nâng lên. Hiện nay, với hơn 1ha chè, mỗi lứa gia đình thu được khoảng 3 tạ chè búp khô, bán với giá bình quân 200.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 15 triệu đồng/lứa so với thời điểm chưa vào HTX.
Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX Chè Tuyết Hương chia sẻ: Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi còn chú trọng tới việc cải tiến mẫu mã, bao bì nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Do đó, những năm vừa qua, sản phẩm chè của HTX đã được nhiều người biết đến, doanh thu đạt bình quân trên 3 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách Nhà nước gần 50 triệu đồng; thu nhập bình quân người lao động đạt từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 39 HTX (679 thành viên), 31 THT (1.148 tổ viên). Các THT, HTX chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến chè, trồng rau an toàn, chăn nuôi gia súc gia cầm và dịch vụ thủy lợi. Thời gian qua, các HTX này đã nỗ lực vượt khó, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tạo chuỗi liên kết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh sự chủ động của các HTX, huyện Đồng Hỷ cũng đã có chính sách hỗ trợ để giúp các HTX phát triển. Cụ thể: Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua các hội chợ triển làm thương mại trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị máy móc, nhà xưởng... Từ năm 2015 đến nay, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện đã đầu tư gần 20 tỷ đồng hỗ trợ mua sắm trang thiết bị máy móc, nhà xưởng chế biến. Mỗi năm, huyện còn phối hợp tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho cán bộ, thành viên HTX, THT. Hiện nay, nhiều sản phẩm của các HTX đều đã được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, tạo động lực giúp HTX tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho hộ thành viên. Thời gian tới, huyện sẽ tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ các HTX, THT nhằm cải tiến hơn nữa hệ thống máy móc sản xuất, chế biến sản phẩm; phối hợp tổ chức nhiều lớp, khóa học bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho các thành viên, tổ viên…