Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp ngành do Hội Nông dân tỉnh lần thứ X năm 2019-2020 được tổ chức vừa qua, Đề tài Chế tạo máy khoan giếng thủy lực tự động của ôngTrần Đình Chinh, sinh năm 1967, hội viên nông dân phố Cầu Ca, xã Kha Sơn (Phú Bình) đã giành giải Nhì.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nghề cơ khí, ngay khi còn nhỏ, ông Chinh đã có niềm đam mê với lĩnh vực này. Vì thế, sau khi học hết lớp 7 thì được bố hướng dẫn những kỹ thuật đầu tiên về nghề cơ khí.
Ông Chinh chia sẻ: 22 năm làm nghề, tôi đã sản xuất ra nhiều loại máy, gồm: Máy tuốt lúa; máy ép gạch bê tông và máy khoan giếng các loại. Các loại máy này đã giúp giảm chi phí đáng kể cho người sử dụng, tăng hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong đó, máy khoan giếng toàn bộ bằng thủy lực là sản phẩm mà tôi đam mê nhất. Kể về quá trình sản xuất máy khoan giếng thủy lực, ông Chinh cho hay: Năm 2000, tôi bắt đầu sản xuất máy khoan giếng chạy bằng điện, rồi máy khoan giếng chạy bằng máy nổ…, nhưng các máy này vẫn tốn nhiều công lao động mà hiệu quả không cao. Vì thế, tôi luôn ấp ủ tìm ra loại máy sẽ khắc phục được những hạn chế đó. Đến năm 2004, chiếc máy khoan giếng thủy lực sơ khai được hình thành. Vừa sửa dụng trong thực tế làm việc, vừa cải tiến dần dần, chiếc máy khoan giếng toàn bộ bằng thủy lực của tôi đã được hoàn thiện vào năm 2017.
Như vậy, phải mất tới hơn 13 năm “thai nghén”, chiếc máy khoan giếng tự động toàn bộ bằng hệ thống thủy lực của ông Chinh mới được “chào đời”. Chiếc máy này ra đời với nhiều ưu điểm: Ngoài việc có thể tự di chuyển, máy khoan được ở mọi địa hình (riêng đối với địa hình đá có thể khoan với công suất 80-100m/ngày, trong khi các máy khoan đời cũ chỉ có thể khoan từ 7-10m/ngày), máy có thể khoan tới độ sâu 250m. Máy được lắp ráp những bộ phận như đầu tời, đầu xoay… để tạo tính năng tự động cho máy, nhờ đó giảm được công lao động theo máy (từ 4-5 người, xuống còn 2 người). Trong quá trình sản xuất, lắp ráp máy khoan, anh Chinh sử dụng máy nổ để kéo bơm thủy lực tạo ra sức ép, kết hợp với mũi khoan đập hơi. Do đó, khi khoan giếng, máy tự đập vụn và thổi mạt lên mặt đất, không phải mất công kéo đất đá trong đường ống khoan lên khỏi mặt đất như các máy khoan trước.
Tìm hiểu thêm trên thị trường, anh Chinh còn kết hợp máy khoan giếng tự động do xưởng anh sản xuất với máy nén khí mua ở thị trường để khoan ép cọc khi làm nhà và các công trình lớn. Với những ưu điểm vừa nêu, sau 4 năm ra đời, chiếc máy khoan giếng tự động toàn bộ bằng hệ thống thủy lực của anh Chinh đã cung cấp cho khách hàng ở mọi miền Tổ quốc, như: Đà Nẵng, Đắc Nông, Lào Cai, Cao Bằng và xuất bán sang Lào và Campuchia… Với các đơn hàng ngày một nhiều nên 11 công nhân của xưởng thường xuyên phải tăng ca. Trung bình mỗi tháng, xưởng của ông Chinh sản xuất được từ 10-13 máy, không đủ cung cấp cho nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là vào các tháng cao điểm từ tháng 2 đến tháng 7.
Anh Nguyễn Hoàng Thạch, một công nhân tại xưởng của ông Chinh cho biết: Để sản xuất một chiếc máy khoan giếng tự động thủy lực phải mất 5 ngày, vì thế chúng tôi thường xuyên phải làm tăng ca, thêm giờ để kịp đơn hàng cho khách. Mỗi tháng, bình quân thu nhập của chúng tôi đạt trên 20 triệu đồng. Với giá bán trung bình của mỗi chiếc máy khoan giếng tự động toàn bộ bằng hệ thống thủy lực là 200 triệu đồng.
Ông Chinh chia sẻ: Giải thưởng là niềm động viên, khích lệ để tôi tiếp tục có nhiều sáng tạo hơn. 22 năm gắn bó với nghề đã giúp tôi nhận thấy rằng dù ở bất kỳ cương vị, hoàn cảnh nào, chỉ cần chúng ta có tình yêu với công việc mình đã chọn, không ngừng sáng tạo thì mọi cố gắng đều sẽ được đền đáp.
Trước nhu cầu của thị trường và tiềm năng phát triển của sản phẩm mới này, hiện nay anh Chinh đang đầu tư trên 1 tỷ đồng để mở thêm một xưởng sản xuất rộng 500m2. Đánh giá về sáng kiến của ông Chinh, bà Dương Thị Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình cho biết: Hội Nông dân huyện đánh giá rất cao sáng kiến chế tạo máy khoan giếng thủy lực tự động của ông Chinh. Qua sáng kiến này đã tạo thêm cơ hội để hội viên nông dân tăng thêm thu nhập làm giàu chính đáng.