Tốt nghiệp đại học, có cơ hội để làm việc tại những nơi có điều kiện tốt hơn nhưng không ít cử nhân trẻ trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn ở lại quê hương để phát triển kinh tế. Nhiều người trong số họ được bà con tin tưởng bầu làm trưởng xóm, trở thành người “đứng mũi chịu sào”, đem những kiến thức tiếp thu được trong môi trường đại học để đồng hành cùng bà con các xóm, bản vươn lên trong cuộc sống.
Tốt nghiệp THPT, Đặng Đăng Quân (sinh năm 1990), người dân tộc Dao ở xóm Làng Mười, xã Dân Tiến (Võ Nhai) lựa chọn học tiếp lên đại học với mong muốn sau này có một công việc ổn định. Năm 2008, Quân theo học tại Khoa Môi trường, Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên). Năm 2012, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân loại khá, Quân xin được một công việc tại một công ty ở T.P Thái Nguyên với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng, mức thu nhập khá cao đối với một sinh viên mới ra trường vào thời điểm đó. Tuy nhiên, do nhà neo người, bà bị ốm liệt giường, mẹ lại già yếu nên Quân quyết định trở về quê để giúp đỡ gia đình.
Vốn là người năng động, lại thêm các kiến thức đã học được tại trường đại học, anh mạnh dạn tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả hơn. Cùng với đó, anh cũng tích cực tham gia các hoạt động do các đoàn thể của xóm tổ chức và luôn được bà con nhân xóm tin yêu, quý mến bởi sự năng nôt, nhiệt tình của mình. Tháng 3-2019, anh được nhân dân xóm Làng Mười tín nhiệm bầu làm trưởng xóm, trở thành trưởng xóm trẻ tuổi nhất xã. Đây vừa là niềm tự hào nhưng cũng là trọng trách lớn đối với một người trẻ như Quân khi anh phải bao quát mọi lĩnh vực của một xóm có 186 hộ với hơn 800 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm trên 70%.
Với sự nhiệt tình, tâm huyết, hiểu biết của mình, gần 2 năm qua anh Quân đã tích cực vận dụng những kiến thức đã học trong trường đại học để áp dụng tại địa phương. Không những vậy, anh còn thường xuyên tự bỏ thời gian để đọc sách báo, đăng ký tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn để nâng cao kiến thức phát triển kinh tế, cân nhắc tìm hướng áp dụng phù hợp với địa phương. Anh Quân chia sẻ: Trước đây tôi được học về quản lý, xử lý rác thải, nước thải vì vậy tôi thường lồng ghép nội dung tuyên truyền về vấn đề môi trường như: Cách xây dựng bể chứa chất thải chăn nuôi, cách ủ phân hữu cơ, cách xử lý nguồn nước bị ô nhiễm... vào các buổi họp xóm.
Ông Đặng Đức Tài một hộ dân xóm Làng Mười cho biết: Nhà tôi có hơn 2 sào ao thả cá, do ao không có chỗ thoát nước lên thường xuyên bị ô nhiễm, cá chết nhiều. Cuối năm 2019 tôi được anh Quân hướng dẫn về cách xử lý ao nuôi cá bị ô nhiễm bằng vôi bột và chế phẩm sinh học. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay ao không còn bị ô nhiễm, đàn cá sinh trường tốt.
Cũng như anh Quân, sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2011, anh Chu Văn Tuyên (sinh năm 1973), người dân tộc Nùng ở xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng (Võ Nhai) đã quyết định trở về quê hương làm kinh tế gia đình. Xóm Cao Lầm có 114 hộ với gần 500 nhân khẩu, kinh tế của người dân trước đây chủ yếu phụ thuộc cây lúa và cây ngô nên đời sống bấp bênh. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây người dân đã chuyển đổi những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Hiện tổng diện tích cây ăn quả của xóm là 21ha.
Có được kết quả này ngoài sự nỗ lực của người dân nơi đây thì có sự đóng góp không nhỏ của người trưởng xóm là cử nhân của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên). Anh Tuyên cho biết: Với những kiến thức đã được học về kinh tế nông nghiệp trong trường đại học, tôi đã vận dụng vào mô hình kinh tế của gia đình. Từ những hiệu quả bước đầu từ chính gia đình mình, tôi đã mạnh dạn tuyên truyền, vận động bà con phát triển các loại cây ăn quả như bưởi, ổi, mít... Song song với đó, tôi liên hệ với các đầu mối thu mua để “chào hàng”, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của xóm thông qua các kênh khác nhau để tìm kiếm đầu ra. Qua đó đã có 50% diện tích cây ăn quả hiện nay của xóm tìm được đầu ra ổn định. Đời sống của người dân cũng được nâng cao, xóm không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm.
Chia sẻ về trưởng xóm Chu Văn Tuyên, bà Nguyễn Như Hoa, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng cho biết: Trong 7 năm làm trưởng xóm, anh Tuyên luôn tích cực vận động bà con tập trung phát triển kinh tế, tham gia các phong thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đặc biệt với những kiến thức đã được học trên ghế nhà trường, anh thường xuyên áp dụng để giúp bà con phát triển kinh tế. Anh Tuyên luôn nhận được sự tin tưởng và yêu mến của nhân dân trong xóm.
Anh Quân hay anh Tuyên chỉ là 2 trong số nhiều cử nhân trẻ lựa chọn ở lại đồng hành cùng quê hương trong phát triển kinh tế - xã hội. Dù là trưởng xóm hay ở bất cứ cương vị nào, những cử nhân trẻ cũng đã là những người năng nổ nhất trong việc, truyền tải chỉ đạo, quyết sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, địa phương đến nhân dân. Họ luôn là những người ở “tuyến đầu” trong việc đưa khoa học, kỹ thuật đến với người dân, vận động bà con phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, xóa bỏ hủ tục lạc hậu... Những trưởng xóm với xuất phát điểm là các cử nhân trẻ đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, thực sự là những ngọn lửa góp phần “thắp sáng” những miền quê.