Phúc Lương – thơm mùa cốm mới

11:41, 16/11/2020

Một sáng chớm Đông se lạnh, theo lời hẹn với bà con, chúng tôi về với xã vùng sâu Phúc Lương (Đại Từ) để được chứng kiến cách làm và thưởng thức món đặc sản của vùng quê này. Sau cái bắt tay, ông Đào Văn Long, xóm Nhất Tâm, một người làm cốm kỳ cựu ở xã vào ngay chủ đề chính: Phúc Lương còn khó khăn lắm, không có đặc sản gì ngoài sản phẩm cốm dẻo, thơm đặc trưng riêng có.

Theo người dân Phúc Lương, cứ đến tháng 10 Âm lịch, vào thời điểm Tết mừng cơm mới, sau khi gặt lúa về trải ra nền nhà cho ráo nước, người dân thường bớt một ít lúa tươi đem tuốt để làm cốm, rồi sắp 1 đĩa đầy để lên ban thờ thắp hương cảm tạ trời đất đã cho một mùa thóc lúa đầy bồ, cầu cho năm sau mưa thuận, gió hòa, cây lúa tốt tươi, trĩu hạt. Phần còn lại chia cho lũ trẻ con mỗi đứa một nắm như một thứ quà quê. Mỗi tối tiết trời se lạnh, cả nhà lại quây quần quanh bếp lửa hồng cùng nhấm nháp những hạt cốm ngọt, dẻo và trò chuyện để thấy mùa Đông ấm áp hơn.

Ông Nông Tân Huyên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết: Khoảng 5 năm gần đây, làm cốm ở Phúc Lương đã trở thành một nghề, cốm thành thứ hàng hóa cung cấp ra thị trường để mang lại thu nhập cho người dân. Mùa cốm cũng đến sớm hơn trước, bởi người dân đã chủ động điều chỉnh thời vụ đẩy lịch cấy sớm để đến cuối tháng 8 Âm lịch là đã có cốm cung cấp ra thị trường.

Để làm ra được những mẻ cốm dẻo, thơm, mang đậm hương vị đặc trưng, những người làm cốm phải dậy từ sáng sớm chuẩn bị đồ đạc, nguyên vật liệu. Muốn cốm ngon, có mầu xanh ngọc, thì phải được làm từ lúa nếp cái hoa vàng. Người dân gặt lúa đúng thời điểm hạt vừa căng sữa, khi những bông lúa vừa cúi xuống hướng về cội rễ của mình. Sau khi gặt lúa về, tuốt và loại bỏ những hạt lép, bà con cho những hạt mẩy vào chảo rang. Người rang lúa non phải khéo tay và tinh tế, rang vừa lửa, lửa to sẽ bị đỏ, lửa non sẽ sống, sau khi rang đem ra để nguội rồi mới cho vào cối giã, hoặc dùng máy sát. Vì được làm thủ công, không tẩm ướp bất kỳ một loại phụ gia nào, nên cốm Phúc Lương có vị ngọt dịu, hương thơm mát hoàn toàn tự nhiên vốn có của bông lúa nếp non.

Thời điểm nay đang là chính vụ, nên đi đến đâu, chúng tôi cũng bắt gặp người dân đang rang cốm, xát cốm... Hiện, ở Phúc Lương, người dân làm cốm hàng hóa nhiều nhất là ở các xóm Phúc Tiến, Đồng Tiến, Nhất Tâm, Cây Hồng, còn lại người dân chủ yếu làm số lượng ít để ăn và quà biếu. Gặp chị Doanh Thị Hay, xóm Na Bán đang nhanh tay rang cốm để kịp chuyến xe gửi vào Sài Gòn cho con trai chị, chị cho biết: Cả nhà tôi ai cũng rất thích cốm nên mỗi vụ mùa, tôi đều làm một ít cho gia đình, đồng thời biếu anh em họ hàng, bạn bè cùng thưởng thức. Mấy năm nay, con trai tôi vào Nam làm kinh tế, nên cứ dịp này là tôi lại làm cốm gửi vào cho cháu đỡ nhớ nhà, nhớ quê, tiện luôn gửi cho bạn bè của cháu trong đó được thưởng thức món ăn dân dã nhưng mang đậm hương vị quê hương.

Đến nhà chị Đào Thị Hoa, xóm Đồng Tiến, chúng tôi được chứng kiến cảnh người dân đang làm cốm trong không khí rộn ràng. Thời điểm hiện tại, nhà chị Hoa có tới hơn 10 lao động tham gia làm cốm, người tuốt lúa, người ngâm thóc, người rang, xát, rồi cân, đóng gói... Chị Hoa cho biết, trung bình mỗi ngày, gia đình làm khoảng 1 tạ cốm xuất bán ra thị trường.

Thị trường bán cốm của người dân Phúc Lương cũng ngày càng được mở rộng đến các huyện, thành, thị trong tỉnh. Không những thế, một số khách hàng ở miền Nam cũng đặt hàng với số lượng khá lớn. Với giá bán khoảng 80.000 đồng/kg, cốm góp phần đem lại lợi nhuận khá cao cho bà con

Từ ngày cốm trở thành hàng hóa, diện tích lúa nếp vải của xã cũng tăng dần. Gia đình ông Đào Văn Long, xóm Nhất Tâm là một trong những hộ chuyên làm cốm bán mỗi vụ mùa về. Ông cho hay: Gia đình tôi có khoảng 6 sào ruộng, trước đây tôi vẫn cấy lúa giống Khang Dân nhưng vài năm nay, tôi đã chuyển sang cấy giống lúa nếp cái hoa vàng để làm cốm bán. Hiện nay, ngoài 6 sào ruộng của gia đình, tôi thuê thêm ruộng của người dân để cấy, mỗi vụ tôi cấy khoảng 1 mẫu lúa nếp, từ tháng 8 đến tháng 10 Âm lịch, mỗi ngày tôi làm từ 30-50kg cốm.

Mỗi mùa cốm về, không khí ở Phúc Lương lại vui như Tết, Hương cốm phảng phất quện vào những làn gió heo may tỏa khắp xã, người dân cùng nhau ra đồng gặt lúa, gánh lúa về rang cốm, giã cốm trong rộn rã tiếng cười. Những mẻ cốm xanh dẻo, thơm lần lượt được đóng gói, gói những tình cảm và cả những ước mơ của người dân trong đó gửi đi muôn nơi.