Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thời điểm này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tập trung tái đàn gia súc, gia cầm để đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng mạnh dịp cuối năm. Cùng với đó, việc theo dõi tình hình hình dịch bệnh cũng như áp dụng các biện pháp đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học cũng được bà con đặc biệt quan tâm.
Là một trong những địa phương trọng điểm về chăn nuôi gia cầm, thời điểm này, nhiều trang trại, gia trại trên địa bàn huyện Phú Bình đang tập trung tái đàn phục vụ thị trường Tết. Dẫn chúng tôi đi thăm đàn gà thả vườn dưới tán cây ăn quả, chị Dương Thị Vụ, ở xóm Cả, xã Tân Khánh (Phú Bình) chia sẻ: Hiện, nhà tôi đang nuôi 3.000 con gà ri lai, trong đó có 2.000 con mới vào đàn được hơn 2 tuần. Tôi thấy vào dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ thịt gà cao hơn ngày thường. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến phức tạp, sức đề kháng của vật nuôi giảm nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Vì thế, đàn gà giống được chúng tôi mua ở địa chỉ uy tín, có tiêm phòng đầy đủ vắc-xin. Ngoài ra, gia đình tôi cũng thường xuyên phun khử trùng tiêu độc khu vực chuồng nuôi và phát quang bụi rậm để phòng, chống dịch bệnh.
Đối với các hộ chăn nuôi lợn, mặc dù hiện nay giá thịt vẫn ở mức cao nhưng việc tái đàn, tăng đàn phần lớn chỉ được thực hiện ở các trang trại. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như bỏ trống chuồng. Anh Nguyễn Văn Thắng, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xóm 11, xã Tân Linh (Đại Từ) cho hay: Để phục vụ thị trường Tết, năm nay, gia đình tôi đã tăng quy mô nuôi từ 1.000 lên 1.200 con lợn thịt. Tôi đã ngăn chuồng thành dãy nhiều ô, mỗi ô từ 20-30 con. Đồng thời, phân chia người chăm sóc từng dãy chuồng và hạn chế tiếp xúc với bên ngoài. Trước khi vào chăm sóc đàn lợn, nhân viên trang trại phải tắm rửa, thay quần áo và qua phòng sát khuẩn. Tôi cho vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất định kỳ 2 lần/tuần.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, năm nay, do tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn còn diễn biến phức tạp, giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định nên việc tái đàn phục vụ thị trường dịp Tết không có sự tăng đột biến, ồ ạt. Công tác tái đàn lợn phục vụ thị trường Tết chủ yếu ở các trang trại đảm bảo điều kiện an toàn dịch bệnh. Hầu hết các trang trại này đều mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng khoảng 20% (tăng mật độ chăn nuôi và trọng lượng xuất bán thịt lợn hơi). Còn tại các hộ có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy hoàn toàn có tỷ lệ tái đàn bình quân khoảng 70% (trên 12.000 hộ đã tái đàn). Số hộ không tái đàn lợn mà chuyển sang vật nuôi khác như chăn nuôi gà, vịt, bò… chiếm khoảng 20%; số hộ để trống chuồng (chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ) chiếm tỷ lệ 10%. Đối với các hộ chăn nuôi gà, việc tái đàn diễn ra khá thuận lợi. Tính đến hết tháng 9, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng, toàn tỉnh đạt 106 nghìn tấn, bằng 72,1% kế hoạch năm và tăng 4,4% so cùng kỳ (trong đó, sản lượng thịt lợn hơi đạt 63,6 nghìn tấn, giảm 0,8%; thịt gà hơi ước đạt 34,2 nghìn tấn, tăng 14,8%).
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản cho biết: Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, Chi cục đã phối hợp với các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại và thực hiện tiêm phòng cho vật nuôi theo định kỳ; khuyến khích bà con chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chăn nuôi, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào tỉnh. Các hộ dân khi tái đàn cần theo khuyến cáo và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, tăng cường các biện pháp cách ly nhằm bảo đảm an toàn, hiệu quả.