Chủ động phòng, chống rét cho đàn vật nuôi

08:48, 08/12/2020

Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh, các khu vực trong tỉnh đã xuất hiện rét đậm với nhiệt độ phổ biến từ 11-13 độ C, vùng núi từ 9-11 độ C. Thời tiết chuyển lạnh là một trong những yếu tố gây hại cho sức khoẻ vật nuôi, làm giảm sức đề kháng. Trước tình hình trên, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Những ngày trời rét đậm, gia đình ông Dương Đình Tài, ở tổ dân phố Thi Đua, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) không chăn thả trâu mà nhốt trong chuồng và cung cấp đầy đủ rơm khô, cỏ, nước uống. Đồng thời, ông cũng chủ động gia cố, che chắn chuồng trại, đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt, giữ khô nền chuồng. Ông Tài cho biết: Nhà tôi có 3 con trâu, nuôi để bán thương phẩm chứ không phải dùng làm sức kéo như trước đây. Ngoài khâu chống rét, gia đình tôi còn chủ động phun thuốc diệt muỗi, ve, ruồi, côn trùng, vệ sinh xung quanh chuồng trại và khu vực chăn nuôi để bảo vệ đàn trâu trước bệnh viêm da nổi cục.

Tương tự, đối với trang trại của gia đình anh Mai Anh Nguyên, ở xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng (Phú Lương) cũng đã triển khai nhiều giải pháp để chống rét cho đàn lợn. Anh Nguyên chia sẻ: Hằng ngày, nhà tôi vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và phun thuốc khử trùng, tiêu độc, che kín chuồng nuôi... Ngoài ra, tôi cho lợn uống đủ nước sạch, ấm; bổ sung thêm các Vitamin tổng hợp, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin.

Không chỉ riêng gia đình ông Tài, anh Nguyên mà đa phần các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều triển khai các biện pháp ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Đối với các hộ chăn nuôi gà, bà con dùng phên, bạt để che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại; đảm bảo cho gà ăn thức ăn đủ chất và lượng, phù hợp với từng lứa tuổi... để nâng cao sức đề kháng của gia cầm; thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thay chất độn chuồng, làm đệm lót sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn gia cầm, đặc biệt là: Cúm gia cầm,Newcastle, Gumboro.

Để kịp thời ứng phó với những diễn biến bất thường của khí hậu, thời tiết, ngày 3-12, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản - Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh đã ban hành công văn đề nghị UBND các huyện, thành, thị chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản cho biết: Chúng tôi đã đề nghị các địa phương thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét; đặc biệt chú trọng những vùng đang có dịch và những khu vực có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét, dịch bệnh; thực hiện nghiêm nội dung Công văn số 2877/SNN-KHTC ngày 27/11/2020 của Sở Nông nghiệp - PTNT về việc tăng cường các biệp pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Còn đối với các huyện miền núi, vùng cao như Định Hóa, Võ Nhai, chúng tôi cũng lưu ý trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống đói rét cho vật nuôi và tăng cường công tác giám sát dịch bệnh; kiểm tra, rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm…

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa đông năm nay, nhiệt độ sẽ thấp hơn từ 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm. Các đợt rét đậm, rét hại có khả năng kéo dài từ 7-10 ngày, kèm theo đó là các hiện tượng băng giá, sương muối. Do vậy, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, bà con cũng cần chủ động theo dõi tình hình thời tiết, dịch bệnh để có biện pháp ứng phó; tránh để xảy ra tình trạng vật nuôi bị chết do đói, rét, gây thiệt hại về kinh tế.