Những năm gần đây, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ (Chương trình 135), huyện Đại Từ đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt... Nhờ đó, nhiều hộ nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững…
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, xóm Phố, xã Bản Ngoại có hoàn cảnh rất khó khăn. Vợ chồng ông sức khỏe yếu, lại không có đất sản xuất nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Đầu năm 2016, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135, gia đình ông được hỗ trợ 100 đôi bồ câu sinh sản, trị giá 11 triệu đồng và thức ăn công nghiệp để nuôi trong vòng 6 tháng. Ngoài ra, ông còn được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, nuôi dưỡng chim bồ câu sinh sản. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên sau 6 tháng, đàn chim bồ câu đã bắt đầu sinh sản và đem lại nguồn thu nhập cho gia đình ông gần 5 triệu đồng mỗi tháng. Sau một năm, gia đình ông Thắng đã chính thức thoát nghèo. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thắng phấn khởi cho biết: Đến nay, gia đình tôi đã tăng số lượng bồ câu sinh sản lên gần 500 đôi. Bình quân mỗi tháng gia đình tôi thu được khoảng 20 triệu đồng từ việc bán bồ câu giống và bồ câu thịt cho các nhà hàng.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Nụ, xóm Gò Lớn, xã Lục Ba trước đây cũng rất khó khăn do chồng mắc bệnh tâm thần, một mình chị “gồng gánh” nuôi 2 con nhỏ. Đầu năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135, gia đình chị được hỗ trợ 1 con trâu sinh sản trị giá 18 triệu đồng. Sau hơn 1 năm chăm sóc, trâu mẹ đã sinh sản được 1 con nghé. Mới đây, gia đình chị đã bán con nghé được 15 triệu đồng. Số tiền này, gia đình chị sử dụng một phần để trang trải cuộc sống, phần còn lại chị tiếp tục đầu tư chăn nuôi lợn, gà để phát triển kinh tế. Nhờ có vốn làm ăn cộng với sự cần cù, chăm chỉ, đầu năm 2020, gia đình chị Nụ đã thoát nghèo.
Trên đây chỉ là hai trong số hàng nghìn hộ gia đình trên địa bàn huyện Đại Từ đã vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135. Theo thống kê, trong giai đoạn 2015-2020, huyện Đại Từ đã được hỗ trợ trên 92 tỷ đồng từ Chương trình 135. Trong đó, nguồn vốn để thực hiện thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại địa phương là trên 19,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, đã có 5.709 hộ nghèo trên địa bàn huyện được hỗ trợ 450 tấn phân bón, 88 con giống gia súc và trên 5.700 máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất…
Ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Hằng năm, UBND huyện đều chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành bình xét công khai, dân chủ để lựa chọn các hộ gia đình đủ điều kiện thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135. Sau khi hỗ trợ con giống, vật tư, máy móc sản xuất… cho người dân, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 135 các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các đối tượng thụ hưởng sử dụng hiệu quả nguồn vật tư, máy móc và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh đối với con giống, nhằm đảm nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả thiết thực.
Việc triển khai thực hiện hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135 đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện trong giai đoạn 2015-2020 giảm từ 16,64% xuống còn 4,20%. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn huyện chỉ đạt 47 triệu đồng/người/năm thì đến nay, con số ấy đã tăng lên 80,48 triệu đồng/người/năm.