Từ nhiều năm nay, huyện Đại Từ đã trở thành một trong những vùng rau màu lớn trên địa bàn tỉnh, với diện tích trồng bình quân mỗi năm trên 1.000ha các loại, tập trung chính tại các xã: Bình Thuận, Khôi Kỳ, Tiên Hội, thị trấn Hùng Sơn… Từ trồng rau màu, nhiều người dân đã có thu nhập ổn định, kinh tế gia đình phát triển.
Đến xã Bình Thuận những ngày này, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà con nông dân đang hối hả chăm sóc và thu hoạch rau các loại. Nhiều năm trở lại đây, nông dân xã Bình Thuận đã thực hiện thâm canh, xen canh, tăng vụ những giống rau màu theo từng mùa. Sau khi thu hoạch xong lúa mùa, bà con lại cùng nhau ra đồng làm đất gieo trồng rau màu, phục vụ gia đình và bán ra thị trường để có thêm thu nhập.
Cũng như nhiều hộ nông dân trong xã sống dựa vào nghề nông, gia đình ông Phan Văn Hồng, ở xóm Trại 5 là một trong những hộ tích cực phát triển rau màu. Hiện, gia đình ông đang canh tác gần 1 mẫu rau màu các loại, với phương thức canh tác mùa nào rau nấy đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Ông Hồng chia sẻ: trồng rau màu cho thu nhập đều và cao hơn so với cấy lúa, nếu canh tác tốt những loại rau bán đầu vụ bán rất được giá. Ví dụ như hiện tại, gia đình tôi đã có bắp cải và su hào bán với giá trung bình từ 10.000-15.000 đồng/kg.
Không đơn thuần là tăng thu nhập, đối với nhiều hộ nông dân xã Bình Thuận, trồng rau vụ đông còn trở thành nguồn thu chính của gia đình. Bởi vậy, nhiều người còn tận dụng mọi quỹ đất để mở rộng diện tích trồng rau vụ đông. Bà Trần Thị Liên, ở xóm Trại 5, xã Bình Thuận cho biết: So với mọi năm, năm nay thời tiết khắc nghiệt hơn, làm rau màu cũng khó khăn hơn, nhưng bù lại giá bán cao hơn nên gia đình tôi vẫn có thu nhập ổn định.
Được biết, vụ đông - xuân năm nay, toàn huyện Đại Từ đã gieo trồng được gần 2.000ha với các loại rau màu như: Bí xanh, bí đỏ, bắp cải, súp lơ, xà lách, su hào…. Ðể giúp bà con có một mùa vụ đảm bảo thắng lợi, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tích cực phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tổ chức 41 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình sản xuất của từng loại cây vụ đông, kỹ thuật chăm bón và phòng trừ sâu bệnh cho trên 1.600 lượt nông dân. Tuy nhiên, ngành chuyên môn huyện cũng khuyến cáo, trong điều kiện biến đổi khí hậu, các yếu tố thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều, người dân nên tìm hiểu và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm mang lại kết quả tốt. Chủ động che chắn và có các biện pháp chăm sóc, bảo vệ rau cũng như các loại cây trồng khác để mang lại hiệu quả kinh tế cao.