Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, những năm gần đây, T.X Phổ Yên đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Từ đó góp phần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên cho biết: Xuất phát từ điều kiện thực tiễn của địa phương là có trên 60% số lao động tham gia sản xuất nông nghiệp, thị xã xác định việc nâng cao thu nhập cho người nông dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng tốt hơn, thị xã đã xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng của mỗi địa phương, nhằm đạt hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích.
Theo đó, thị xã đã khuyến khích người dân tích cực, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, gắn với các cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật về giống, quy trình sản xuất, quản lý dịch bệnh, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường…
Triển khai định hướng nêu trên, đến nay T.X Phổ Yên đã xây dựng được một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung, như: Sản xuất rau an toàn tại các xã Đông Cao, Tiên Phong, Minh Đức quy mô 200ha; sản xuất lúa chất lượng cao đại trà tại Đắc Sơn, Thuận Thành, Tiên Phong với quy mô 100ha; sản xuất cây ăn quả quy mô 300ha tại xã Phúc Thuận, Minh Đức, Thành Công; sản xuất chè xanh an toàn quy mô 200ha tại Phúc Thuận, Minh Đức, Phúc Tân…
Việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn thuận lợi cho việc cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật từ đó năng suất đạt cao hơn 20-25%, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5-2 lần so với sản xuất truyền thống. Đến nay, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn T.X Phổ Yên đạt gần 115 triệu đồng (tăng hơn 10 triệu đồng so với năm 2019); thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 45,8 triệu đồng/người/năm (tăng gần 4 triệu đồng so với năm 2019). Hiện, thị xã có 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó 2 sản phẩm đạt 4 sao là Lộc trà và lộc trà thượng hạng của Công ty CP Trà Việt Thái tại xã Phúc Thuận; 2 sản phẩm đạt 3 sao là Mật ong tinh túy hoa nhãn xã Phúc Thuận và gạo ADI28 xã Đắc Sơn.
Tại xã Minh Đức, để khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, cùng với việc cải tạo vườn đồi, đưa các giống chè giâm cành cho năng suất cao vào trồng thay thế giống cũ, ở một số diện tích cấy lúa khó lấy nước, xã đã khuyến khích bà con chuyển sang trồng cây ăn quả các loại với diện tích hơn 30ha. Người dân trên địa bàn đã tích cực mở rộng diện tích cây ăn quả nhằm nâng cao thu nhập. Đến nay, toàn xã có trên 50ha cam, bưởi diễn, ổi, thanh long, tập trung tại các xóm Thuận Đức, Chằm, Lầy. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, bà con đã chú trọng sản xuất theo quy trình VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Hằng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả VietGAP xóm Thuận Đức cho biết: Tổ hợp tác hiện có 23 thành viên tham gia trồng cam và bưởi với diện tích 8,8ha. Các thành viên được tập huấn quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng dẫn cách ghi chép nhật ký và lưu trữ hồ sơ theo quy định của quy trình sản xuất an toàn. Năm nay, Tổ hợp tác dự kiến thu hoạch trên 176 tấn cam, bưởi.
Còn theo ông Lê Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Đắc Sơn, thông qua việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa của nhân dân, đến nay, địa phương đã xây dựng được vùng sản xuất lúa ADI28 chất lượng cao tập trung với quy mô 30ha. Đây là giống lúa đã được đưa vào gieo cấy thử nghiệm năm 2018, mang lại hiệu quả kinh tế và được nhân rộng trên địa bàn. Việc hình thành vùng sản xuất lúa tập trung đã giúp bà con thay đổi thói quen canh tác, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật thuận lợi hơn. Đơn cử như việc đưa máy bay phun thuốc trừ sâu không người lái trong quá trình sản xuất đã giúp giảm nhân công, tiết kiệm 90% lượng nước, 30% thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, khi sử dụng thiết bị này, nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc khi phun; đồng thời hiệu quả phun thuốc lên tới 90%, trong khi phun bằng phương pháp truyền thuống chỉ đạt 30-50%.
Có thể thấy, việc hình thành các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn T.X Phổ Yên đã tạo động lực để người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế, từ đó tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Thời gian tới, thị xã sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất, tập trung đất đai để sản xuất theo hướng hàng hóa. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn của nhân dân; tăng cường liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương.