Hội chè Thái Nguyên được thành lập với mục đích hỗ trợ các đơn vị hội viên hoạt động có hiệu quả, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và góp phần bảo vệ, phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên. Thời gian qua, với nhiều hoạt động thiết thực, Hội đã giúp các hội viên tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè.
Năm 2007, Hội Chè Thái Nguyên được thành lập (trực thuộc Hiệp hội Chè Việt Nam), với các hội viên là những doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến ngành hàng chè. Đến nay, Hội đã tập hợp được 106 đơn vị hội viên sản xuất, kinh doanh chè, trong đó có 40 doanh nghiệp, 52 HTX, 4 câu lạc bộ, 1 hội nghề nghiệp và 9 cơ sở hộ gia đình.
Thời gian qua, Hội luôn đồng hành, động viên các đơn vị hội viên phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện và là cầu nối quan trọng để các đơn vị tiếp cận với những chính sách, cơ hội đầu tư, giới thiệu sản phẩm chè ra thị trường trong và ngoài nước. Các hội viên đều chấp hành đầy đủ các quy định, quy trình về sản xuất chè an toàn, nhiều đơn vị đã không ngừng cải tiến, đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu.
Các cán bộ, hội viên Hội chè Thái Nguyên tham quan thực tế quy trình sản xuất, chế biến chè tại HTX chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Ảnh: T.N
Điển hình như Công ty CP Chè Hà Thái, Công ty CP Tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình đã đầu tư công nghệ cao, tự động hóa và ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để có nhiều sản phẩm chè chất lượng cao, đặc biệt cả hai đơn vị đều có sản phẩm chè đạt giải thưởng cao tại cuộc thi chất lượng chè đặc sản quốc tế Bắc Mỹ năm 2016, 2017 và năm 2019; có 4 đơn vị (HTX Chè Tân Hương, HTX Chè La Bằng, HTX Chè Tuyết Hương và HTX Chè Nguyên Việt) được chọn giới thiệu sản phẩm tại Diễn đàn APEC 2017 tổ chức tại T.P Đà Nẵng, trong đó HTX chè La Bằng và HTX chè Tuyết Hương có sản phẩm chè được chọn làm quà tặng tại sự kiện quan trọng này.
Để nâng cao nhận thức cho các hội viên, Hội đã tuyên truyền và triển khai các chính sách liên quan của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - PTNT, định hướng phát triển chè của tỉnh, các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè đến hội viên. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các cuộc đối thoại giữa người làm chè với các cơ quan hữu quan để giải đáp và tháo gỡ những khó khăn trong quản lý chất lượng, thương hiệu, và xuất khẩu chè. Bên cạnh đó, Hội còn triển khai và vận động hội viên tích cực tham gia các kỳ Festival trà, lễ hội trà tổ chức trên địa bàn tỉnh, các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, thi chất lượng chè, các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cũng như tham gia các cuộc hội thảo, hội nghị về chè và đăng ký sản phẩm OCOP (theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”). Kết quả đã có nhiều hội viên tham gia và nhiều đơn vị, hội viên được nhận bằng khen của các bộ, ngành, UBND tỉnh về thành tích sản xuất, kinh doanh chè giỏi, sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Hội cũng luôn chú trọng việc kết nối, kêu gọi hỗ trợ từ các cơ quan khoa học trong và ngoài tỉnh để tập huấn, đào tạo các đơn vị hội viên về ứng dụng khoa học, tiếp nhận các công nghệ cao, công nghệ 4.0 và các tiêu chuẩn kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, quản lý và kinh doanh chè đảm bảo an toàn, hữu cơ. Kết quả đến nay 100% đơn vị thành viên của Hội sản xuất chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, có đơn vị được chứng nhận GLOBAL GAP, UTZ và chè hữu cơ IFOAM. Đáng chú ý là khi tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nhiều đơn vị có sản phẩm đạt chuẩn từ 3-4 sao, tiềm năng 5 sao. Trong 2 năm 2019, 2020, toàn tỉnh có 76 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3-4 sao thì có 62 sản phẩm chè của 38 lượt đơn vị. Nhiều đơn vị đã thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi, duy trì được sản phẩm xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Điển hình như Công ty CP NTEA với sản xuất sản phẩm chè hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế IFOAM, Công ty CP chè Hà Thái với chè sản phẩm Ha Thai Tea, Công ty CP Trà Việt Thái, Công ty TNHH Trung Nguyên, Công ty Xuất nhập khẩu Thái Nguyên, Bắc Kinh đô, Sơn Phú duy trì được dòng sản phẩm chè xanh, chè đen xuất khẩu. HTX Chè Tân Hương duy trì được dòng sản phẩm chè xanh đạt chuẩn quốc tế về Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường (UTZ)...
Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên cho biết: Trong nhiệm kỳ tới, chúng tôi đặt mục tiêu tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho các hội viên. Khuyến khích các đơn vị công bố chất lượng theo quy định; có thương hiệu và truy xuất nguồn gốc hàng hóa; sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”. Xây dựng và phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên, đặc biệt là tham gia quản lý thương hiệu chè; tiếp tục mở rộng thị trường nội địa tiềm năng và đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với đó, vận động hội viên tích cực tham gia các chương trình, đề án, dự án phát triển chè của Trung ương, cấp tỉnh, huyện, như đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó trọng tâm là phát triển cây chè; đề án phát triển sản phẩm OCOP từ chè; đề án phát triển kinh tế tập thể, HTX, nòng cốt là các HTX, liên hiệp HTX sản xuất, kinh doanh chè. Gắn nhiệm vụ sản xuất và tiêu thụ chè với các hoạt động văn hóa, du lịch, xây dựng nông thôn mới…