Nâng cao hiệu quả sản xuất chè vụ đông

10:39, 21/12/2020

Những ngày này, mặc dù thời tiết rét đậm nhưng đi thực tế ở một số địa phương trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy tại nhiều nương chè búp vẫn mọc tua tủa, vươn lên xanh tốt. Có được thành quả đó là do bà con nông dân đã chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho chè, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất chè vụ đông. Với giá bán cao hơn từ 2 đến 2,5 lần so với chè chính vụ, sản xuất chè vụ đông giúp bà con có thêm nguồn thu nhập đáng kể để cải thiện đời sống.

Nếu như trước đây, sau khi thu hái xong lứa chè chính vụ vào cuối tháng 9, gia đình bà Phạm Thị Chinh, ở xóm Làng Hỏa, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) thường không chăm sóc mà để cây chè phát triển tự nhiên rồi đốn, đến sau Tết Nguyên đán mới thu hái lứa chè xuân đầu tiên. Thế nhưng mấy năm gần đây, nhờ làm chè vụ đông, gia đình bà đã có nguồn thu nhập ổn định quanh năm. Bà Chinh chia sẻ: Nhận thấy nhiều hộ dân trên địa bàn làm chè vụ đông có hiệu quả, gia đình tôi cũng đầu tư gần 30 triệu đồng để khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm tự động. Vào mùa khô, trung bình nhà tôi tưới 1 lần/tuần và bón phân đầy đủ. Nhờ vậy, cây chè vẫn cho ra búp đều. Trước đây, nhà tôi chỉ thu hái được 6 lứa/năm thì nay tăng lên 8 lứa/năm. Mặc dù năng suất chè vụ đông giảm, chỉ bằng 1/2 so với chè chính vụ nhưng giá bán tăng gấp 2-3 lần và rất đắt hàng nên chúng tôi rất chú trọng khâu chăm sóc để có nguồn thu ổn định.

Cũng giống như bà Chinh, gia đình chị Chạc Thị Phượng, ở xóm Khe Mo, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) đã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm để làm chè vụ đông. Chị Phượng cho biết: 1 lứa chè chính vụ chỉ sau 30-35 ngày là được thu hái nhưng chè vụ đông phải mất 40-45 ngày. Bù lại, chè vụ đông ít sâu bệnh, có hương thơm đặc biệt, vị ngọt hậu. Nhà tôi vừa thu hoạch được 40kg chè búp khô, bán với giá 250.000 đồng/kg, cao hơn chè chính vụ 150.000 đồng/kg. Thu hái xong, tôi đã tưới nước và bón phân để kịp đón một lứa chè vào dịp trước Tết Nguyên đán sắp tới.

Không chỉ riêng Văn Hán, Khe Mo mà ở nhiều xã vùng chè khác trong tỉnh, như: Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương), La Bằng, Hoàng Nông (Đại Từ), Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên), Phúc Thuận, Phúc Tân, Thành Công (T.X Phổ Yên)…, chè vụ đông cũng đang sinh trưởng, phát triển tốt. Điều đặc biệt là nếu như trước đây, chỉ những diện tích gần sông, suối, ao hồ người dân mới tập trung làm chè vụ đông thì nay bà con đã chủ động khoan giếng, đào bể tích trữ nước để tưới chè.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn tỉnh hiện có trên 22.000 ha chè, trong đó, diện tích chè sản xuất vụ đông chiếm hơn 40%. Những năm gần đây, bà con nông dân trong tỉnh đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè để cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Cụ thể như, các công đoạn sao chè, vò chè, đóng gói đều được sử dụng bằng máy, góp phần giảm chi phí công lao động. Ngoài ra, tỉnh cũng đã có chính sách hỗ trợ cải tạo, trồng thay thế giống chè cũ bằng các giống chè mới, chất lượng cao như: LDP1, TRI 777, Phúc Vân Tiên… đưa diện tích trồng chè giống mới chiếm hơn 70%.

Chị Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Ngoài việc đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, hệ thống phun thuốc bảo vệ thực vật tự động, chúng tôi còn đầu tư kho lạnh để bảo quản chè, giữ nguyên hương thơm đặc trưng của chè trung du Tân Cương mà không nơi nào có được. Ngoài ra, các sản phẩm chè của HTX đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên được đông đảo khách hàng đón nhận.

Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp kỹ thuật trong sản xuất chè vụ đông, anh Nguyễn Tá, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cho biết: Làm chè vụ đông, quan trọng nhất là bà con cần tưới đủ nước. Bên cạnh đó, lượng phân bón cũng không cần nhiều, thậm chí còn phải giảm bón các loại phân đạm, kali so với làm chè chính vụ.Đặc biệt, trong những ngày trời rét đậm, rét hại, buổi sáng bà con nên tưới nước để rửa trôi sương muối, hạn chế cây bị táp lá. Đồng thời, kết hợp làm sạch cỏ trong gốc chè; cuốc lật lớp đất giữa hai hàng chè để cho đất tơi xốp và rải cây, cỏ khô để giữ ẩm, hạn chế bốc hơi nước. 

Có thể thấy, việc người dân tận dụng các điều kiện để sản xuất chè vụ đông đã góp phần nâng cao thu nhập, đồng thời, đảm bảo cung cấp hàng hóa cho thị trường dịp Tết Nguyên đán. Do vậy, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để tạo điều kiện cho bà con thúc đẩy sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.