Vùng “Tam Hợp” là cách gọi quen thuộc của nhân dân huyện Phú Lương mỗi khi nói về 3 xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành. Trước kia, nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và địa phương. Những năm gần đây, vùng đất lịch sử này đã và đang có nhiều thay đổi, khoác trên mình một diện mạo mới.
Trở lại vùng “Tam Hợp” vào những ngày đầu tháng 12 này, chúng tôi chọn điểm đến đầu tiên là xã Hợp Thành. Từ năm 2018, với sự chỉ đạo, triển khai quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của nhân dân, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Nói về những đổi thay của quê hương, ông Ma Quốc Hiếu, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Khoảng 10 năm về trước, các tuyến đường giao thông trong xã vẫn là đường đất lầy lội; nhà văn hóa ở các xóm cơ bản đã cũ và xuống cấp; các trường thì thiếu phòng học. Nhưng đến nay, gần 90% các tuyến đường đã được bê tông hóa; nhà văn hóa các xóm đã được xây dựng khang trang. Việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân thuận lợi hơn trước rất nhiều, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển…
Không riêng Hợp Thành, diện mạo nông thôn tại 2 xã Phủ Lý và Ôn Lương cũng đã khác trước rất nhiều. Đến nay, tại 3 xã vùng “Tam Hợp” đã có 100% tuyến đường liên xã được cứng hóa; tỷ lệ đường trục xóm được cứng hóa đạt từ 83 đến 100%; phần lớn các nhà văn hóa xóm đều đạt tiêu chuẩn theo quy định; 100% các hộ gia đình được sử dụng điện lưới; 100% trường học có cơ sở vật chất đảm bảo công tác dạy học… Bên cạnh sự đổi thay về bộ mặt nông thôn, đời sống kinh tế của người dân nơi đây cũng đã có những bước tiến mới. Với đặc thù địa hình là trung du miền núi nên thế mạnh trong phát triển kinh tế của các xã vùng “Tam Hợp” chính là trồng cây lâm nghiệp. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, được sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước, người dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến những diện tích đồi trọc thành những cánh rừng keo bạt ngàn. Đến nay, tổng diện tích rừng sản xuất của 3 xã đạt 1,9 nghìn ha, trong đó xã Phủ Lý là địa phương có diện tích rừng lớn nhất. Nhờ rừng mà các hộ dân vùng “Tam Hợp” đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Đến nay, những con đường đất lầy lội ở xã Hợp Thành (Phú Lương) đã được đổ bê tông, việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Bà Phan Thị Thản, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Na Dau, xã Phủ Lý, chia sẻ: Xóm có 67 hộ dân thì có hơn 80% số hộ là trồng rừng. Hộ trồng ít khoảng 1-2ha, hộ trồng nhiều lên đến trên 10ha. Kinh tế rừng đã góp phần thay đổi đời sống của bà con trong xóm. Đặc biệt là từ sau khi đường giao thông trục xóm được cứng hóa, việc bán cây gỗ của bà con cũng thuận lợi và được giá hơn. Nhờ vậy, từ một xóm đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều nhà dột nát thì nay xóm chỉ còn 7/67 hộ nghèo, tỷ lệ nhà kiên cố chiếm hơn 80%; 100% các hộ đã được sử dụng điện lưới, có điều kiện mua sắm trang thiết bị, vật dụng thiết yếu trong nhà và phương tiện đi lại.
Cùng với trồng rừng, cây lương thực cũng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con vùng “Tam Hợp”. Những năm qua, thực hiện Dự án “Xây dựng vùng sản xuất lúa Nếp vải đặc sản tại huyện Phú Lương”, từ chỗ chỉ có vài hộ gieo cấy với quy mô nhỏ lẻ thì đến nay các xã đã xây dựng được vùng sản xuất lúa Nếp vải tập trung với diện tích 120ha, trong đó xã Ôn Lương có diện tích lớn nhất với 60ha. Qua góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Chị Phạm Thị Nga, xóm Thâm Đông, xã Ôn Lương cho hay: Với 1,5 mẫu lúa Nếp vải, bình quân mỗi năm tôi thu hoạch được khoảng 2,4 tấn gạo, giá bán dao động từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg (cao gấp đôi so với giống lúa Khang Dân, Bao thai). Ngoài bán sản phẩm gạo do gia đình sản xuất, tôi còn bao tiêu thóc cho các hộ trong xóm. Chỉ tính riêng năm 2019, tôi tiêu thụ được trên 10 tấn gạo, lợi nhuận thu về trên 30 triệu đồng.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế từ việc phát triển nông, lâm nghiệp, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được các địa phương chú trọng để nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, hàng năm, các xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan để đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho từ 85-90 lao động. Tính đến nay, cả 3 xã đang có hơn 1.500 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với mức thu nhập bình quân từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Đánh giá về những đổi thay của các xã vùng “Tam Hợp”, ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Tây của huyện, thời gian qua, chính quyền và nhân dân 3 xã Ôn Lương, Hợp Thành, Phủ Lý đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao. Đến nay, xã Ôn Lương, Hợp Thành đã cán đích nông thôn mới và được ra khỏi danh sách xã 135, còn xã Phủ Lý đang phấn đấu về đích vào năm 2022. Thu nhập bình quân ở 3 xã đạt từ 32 đến 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, trong đó xã Phủ Lý còn 4,86%, xã Hợp Thành còn 5,3% và xã Ôn Lương còn 2,7%. Trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã phía Tây, huyện sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh tế; tiếp tục xây dựng những mô hình sản xuất phù hợp với thế mạnh của địa phương trong đó đặc biệt là mô hình sản xuất lúa Nếp vải tập trung; nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn…