Phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi

05:31, 16/12/2020

Những ngày qua, khu vực miền núi phía Bắc đón đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa đông năm nay. Nhiệt độ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh xuống thấp, phổ biến từ 13 đến 15 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 12 độ C. Để chủ động ứng phó với thời tiết, bà con nông dân huyện Định Hóa đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, từ đó hạn chế thấp nhất thiệt hại. 

Gần 2 tuần nay, gia đình ông Mạc Văn Tuyên, ở xóm Gốc Hồng, xã Quy Kỳ tất bật gia cố lại chuồng trại để chống rét cho đàn bò 8 con của gia đình. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tuyên cho biết: Những năm trước, để giảm công chăm sóc đàn bò, gia đình tôi vẫn chăn thả kể cả trong những ngày rét. Do vậy, vào mùa đông đàn bò thường còi cọc, chậm lớn. Rút kinh nghiệm, mùa đông năm nay, gia đình tôi hạn chế tối đa chăn thả, đặc biệt là những ngày thời tiết rét đậm, rét hại. Chuyển sang nuôi nhốt, gia đình tôi còn che chắn chuồng trại kín đáo bằng bạt và tấm pro-xi măng... Đồng thời, trồng gần 2 sào cỏ voi và dự trữ thêm rơm rạ để làm thức ăn cho đàn bò trong những ngày rét đậm, rét hại.

Tương tự gia đình ông Tuyên, mặc dù mới chớm bước vào mùa đông nhưng gia đình bà Lộc Thị Thủy, xóm Cấm, xã Phượng Tiến đã chủ động có những biện pháp chống rét cho đàn gia súc. Bà Thủy chia sẻ: Gia đình tôi có 2 con trâu và gần 50 con lợn. Đây là tài sản lớn của gia đình nên ngay từ giữa tháng 11, khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa thì gia đình tôi đã tiến hành gia cố, che chắn chuồng trại bằng bạt để ngăn không cho gió lạnh, sương muối làm ảnh hưởng đến đàn gia súc. Gia đình tôi cũng tích trữ một lượng lớn rơm khô và thức ăn tinh bột để sử dụng trong những ngày rét. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, để nền chuồng khô thoáng, đốt củi để tạo nguồn nhiệt và tuyệt đối không tắm cho lợn.

Hầu hết các hộ dân đã có sự chuẩn kỹ lưỡng để phòng chống đói rét cho vật nuôi ngay từ đầu mùa đông. Tuy vậy, theo quan sát của chúng tôi, một số hộ dân vẫn còn che chắn chuồng trại sơ sài, không vệ sinh chuồng trại, tiếp tục chăn thả gia súc. Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Xuân Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Tại huyện Định Hóa, trước đây bà con vẫn thường chăn thả trâu, bò nên thường xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết mỗi khi rét đậm, rét hại kéo dài. Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền nhằm từng bước thay đổi nhận thức cũng như tập quán chăn nuôi của người dân. Nhờ đó, ý thức của người dân trong phòng, chống đói, rét cho vật nuôi đã được nâng lên rõ rệt, hầu hết các hộ gia đình đều đã xây dựng chuồng trại kiên cố, che chắn cẩn thận và chuẩn bị thức ăn dự trữ.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Định Hóa hiện có gần 3.900 con trâu, trên 3.500 con bò, khoảng 5.200 con dê, 26.000 con lợn và gần 720.000 con gia cầm. Bước vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp, xảy ra rét đậm, rét hại là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển trên gia súc, gia cầm. Do vậy, UBND huyện Định Hóa đã có văn bản chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và UBND các xã, thị trấn bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi của từng địa phương. Trong đó, chú trọng các xã có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều như: Linh Thông, Bảo Linh, Điềm Mặc, Quy Kỳ, Kim Phượng, Phượng Tiến...

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng, thủy văn Trung ương, đợt rét đậm, rét hại lần này sẽ kéo dài khoảng 7 ngày, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp. Mùa đông năm nay cũng được dự báo sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại, thời tiết có thể còn khắc nghiệt hơn so với mọi năm. Do đó, người dân cần tích cực, chủ động trong việc phòng, chống rét cho đàn vật nuôi để hạn chế thấp nhất thiệt hại từ tác động của thời tiết gây ra.