Nhờ sự chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, những năm qua, anh Phạm Thanh Quang, ở tổ dân phố 4, phường Mỏ Chè (T.P Sông Công) đã xây dựng thành công mô hình trồng nấm, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho một số lao động ở địa phương.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại trồng nấm với hàng nghìn bịch nấm sò trắng vừa cho thu hoạch, anh Phạm Thanh Quang chia sẻ: Trước đây, tôi học ngành Cơ khí của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Năm 2008, tôi ra trường và đi làm cho một số công ty. Trong một dịp lên nhà người thân ở huyện Võ Nhai, thấy mô hình trồng nấm rất hay, tôi đã có ý tưởng xây dựng trang trại trồng nấm. Năm 2012, tôi mày mò nghiên cứu, học cách trồng nấm trên các phương tiện thông tin đại chúng, cùng với đó là đi tham quan một số trang trại trồng nấm ở tỉnh Bắc Giang. Mới đầu, tôi trồng thử nghiệm 6.000 bịch nấm sò trắng trên diện tích 200m2. Do kinh nghiệm trồng nấm chưa nhiều nên nấm bị mốc xanh, mốc vàng, tôi đã phải bỏ đi toàn bộ số nấm trên.
Sau những thất bại, dần dần anh Quang đã đúc rút được những kinh nghiệm cần thiết trong quá trình trồng, chăm sóc nấm, anh chia sẻ: Trồng nấm có hai giai đoạn chính đó là giai đoạn làm phôi và giai đoạn chăm sóc, thu hoạch. Trong giai đoạn làm phôi cần chú ý tỷ lệ trộn mùn cưa với bông và thời gian hấp phôi phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp (khoảng 1000C). Đến khi cấy giống, trại trồng nấm phải được phun thuốc khử trùng, vệ sinh sạch sẽ (thông thường sẽ nghỉ 3 tháng hè để vệ sinh)… Còn trong quá trình chăm sóc nấm lại rất đơn giản, chỉ cần phun nước tạo độ ẩm phù hợp, cây nấm sẽ sinh trưởng và phát triển tốt. Chính nhờ ham tìm tòi, học hỏi và những kinh nghiệm có được qua những lần thất bại, hiện nay, với diện tích 1.700m2, anh Quang đang duy trì trồng 35.000 bịch nấm sò trắng và nấm rơm. Trung bình một tháng, thu hoạch khoảng 3 tấn nấm. Với giá bán hiện tại là 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh thu lãi 250 triệu đồng/năm.
Sản phẩm làm ra ngày một nhiều, hiện anh đang cung cấp nấm cho các nhà hàng, thương lái trên địa bàn T.P Sông Công và T.P Thái Nguyên. Ngoài ra, anh còn bán phôi trồng nấm cho một số hộ dân có nhu cầu mua để tăng thu nhập. Với giá bán là 10.000 đồng/phôi, trung bình một tháng, anh cung cấp từ 8.000-10.000 phôi. Ông Phạm Biên Thùy, ở xóm Đớ, xã Bá Xuyên, cho hay: Tôi biết đến mô hình trồng nấm sò trắng của anh Quang từ năm 2018. Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, vệ sinh, khử trùng nơi trồng nấm…, hàng tháng, tôi đều mua của anh Quang từ 2.500 - 3.000 phôi nấm về trồng. Trung bình một năm, thu hoạch khoảng 4,5 tấn, nhờ đó tôi có thêm thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Minh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỏ Chè đánh giá: Mô hình trồng nấm của anh Phạm Thanh Quang là mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu. Từ mô hình này, chúng tôi đã tuyên truyền đến các hội viên tham quan, học tập kinh nghiệm để áp dụng, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.
Nhờ không ngừng học hỏi, anh Quang không những phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững mà còn tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho một số lao động địa phương. Năm 2020, anh đã được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020. Nói về những dự định, anh Quang chia sẻ thêm: Thời gian tới, tôi có kế hoạch mở rộng quy mô nhà xưởng thêm 1.000m2 nữa; nghiên cứu và sản xuất giống nấm thay vì phải đi nhập ở Bắc Giang như hiện nay; tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ ở Hà Nội…