Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên (Sở Nông nghiệp và PTNT) được thành lập tháng 8-2020, trên cơ sở sáp nhập Ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng. Ban có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển hơn 20.000ha rừng đặc dụng, phòng hộ trọng yếu tại hai khu vực này.
Nhiệm vụ bảo vệ rừng, nhất là rừng đặc dụng luôn rất khó khăn. Với số lượng công chức, viên chức và người lao động ít trong khi diện tích rừng được giao lớn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của người dân, cộng đồng dân cư và cán bộ bảo vệ rừng tại địa bàn.
Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh, anh Nguyễn Văn Tuyên cho biết: Chúng tôi đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng với 50 hộ và 49 cộng đồng dân cư trên địa bàn 7 xã thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, tổng diện tích giao khoán là trên 14.000ha. Đối với rừng phòng hộ hồ Núi Cốc, Ban đã ký hợp đồng với 86 hộ dân và 2 cộng đồng dân cư, tổng diện tích giao khoán gần 1.000ha. Khi nhận giao khoán bảo vệ rừng, người dân được hưởng một số quyền lợi, trong đó có tiền công hằng năm tùy theo diện tích nhận bảo vệ, cùng với đó, người dân tích cực tham gia tuần tra bảo vệ rừng tận gốc, góp phần đắc lực ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng trái phép.
Để người dân hiểu rõ giá trị của rừng và nâng cao ý thức bảo vệ rừng, Ban thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động. Năm 2020, tổ chức được 12 buổi với sự tham gia của trên 1.100 lượt người. Cùng với đó, Ban đã triển khai kế hoạch hỗ trợ người dân trồng cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho bà con để họ thêm gắn bó với rừng và tham gia bảo vệ rừng tốt hơn.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng liên quan và người dân nhận giao khoán thường xuyên tuần tra, nắm chắc diễn biến tài nguyên rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại rừng. Đồng thời, Ban thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này, nhất là cán bộ tại các trạm bảo vệ rừng tại địa bàn. Riêng trong năm nay, lực lượng bảo vệ rừng của Ban đã phối hợp tuần tra, truy quét trên rừng được 231 buổi; lập biên bản, bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền 3 xe máy là tang vật vi phạm; tiêu hủy 8 lán trại trái phép trong rừng; thu giữ 3 kích điện, 12 khẩu súng tự chế, 1 cưa xăng; đẩy đuổi 6 đối tượng cư trú bất hợp pháp khỏi rừng đặc dụng…
Với những giải pháp trọng tâm đó, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao./