Hiện nay, dịch bệnh cúm gia cầm đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Bắc Giang - địa phương tiếp giáp với Thái Nguyên. Để chủ động phòng, chống dịch cho đàn gia cầm, Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở Nông nghiệp - PTNT) đã chủ động phối hợp với các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch trên địa bàn.
Những ngày này, trước thông tin dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại tỉnh Bắc Giang, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình càng quan tâm triển các biện pháp để bảo vệ đàn vật nuôi củagia đình. Chị Dương Thị Vụ, một hộ chăn nuô igà thả đồi ở xóm Cả, xã Tân Khánh cho biết: Nhà tôi hiện nuôi 3.000 con gà ta phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán. Để bảo vệ an toàn cho đàn gà, ngoài việc tiêm phòng vắc-xin định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ thú y, tôi cũng thường xuyên rắc vôi bột, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Đặc biệt, trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, tôi che kín chuồng trại và bổ sung thức ăn dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho đàn gà.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Bình cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiến hành rà soát, thống kê tổng đàn gia cầm hiện có trên địa bàn, nhất là tại các trang trại, các cơ sở chăn nuôi tập trung và chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ dân để kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm hiệu quả. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, khuyến cáo bà con mua con giống đảm bảo có nguồn gốc; chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng định kỳ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm; thường xuyên tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nhằm ngăn chặn kịp thời mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào địa bàn.
Không chỉ riêng huyện Phú Bình mà ở các địa phương khác trong tỉnh, người chăn nuôi cũng đang tập trung chăm sóc, bảo vệ đàn gia cầm để đáp ứng nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản cho biết: Hiện nay, thời tiết đã xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm. Thêm vào đó, dịp cuối năm, hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm diễn ra sôi động, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, xâm nhập dịch cúm gia cầm vào địa bàn tỉnh là rất lớn. Vì vậy, chúng tôi đã và đang phối hợp với UBND các huyện, thành, thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người chăn nuôi về dịch cúm gia cầm, không được chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu vào địa bàn để tiêu thụ, không có kiểm dịch của cơ quan chức năng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi để kịp thời phát hiện, xử lý khi phát hiện ổ dịch. Do vậy, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch cúm gia cầm. Toàn tỉnh có gần 15 triệu con gia cầm, cơ bản đáp ứng nhu cầu về sản phẩm tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Có thể thấy, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn, các hộ chăn nuôi cũng cần chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, tránh để dịch bệnh bùng phát, lây lan, gây thiệt hại về kinh tế. Đặc biệt, để phòng tránh hiệu quả dịch bệnh cúm gia cầm thì việc tiêm vắc-xin phòng bệnh là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu. Ngoài ra, bà con cũng cần ưu tiên đầu tư thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và theo dõi chặt chẽ đàn gia cầm; tuyệt đối không được giấu dịch, cố bán chạy gia cầm bị bệnh, không vứt xác gia cầm chết ra môi trường…