Ngày 14-1, huyện Đại Từ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác sản xuất nông, lâm nghiệp, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, quản lý bảo vệ rừng năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021.
Năm vừa qua, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thời tiết thất thường ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của người dân, song tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện vẫn có những bước tăng trưởng khá, các chỉ tiêu thực hiện đều đạt và vượt kế hoạch đề ra như: Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt ước đạt 126,6 triệu đồng, đạt 105,5% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực ước đạt trên 71.400 tấn; tổng diện tích gieo trồng cây màu đạt trên 5.400ha, đạt 101,9% kế hoạch; diện tích chè trồng mới, trồng thay thế ước dạt 219ha, đạt 122% kế hoạch; diện tích trồng rừng tập trung đạt 416ha, bằng 112,4% kế hoạch; sản lượng thủy sản ước đạt 4.350 tấn.... Bên cạnh đó, công tác chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật có chuyển biến tích cực, nhiều mô hình triển khai nhân rộng được đánh giá cao.
Trong năm 2020, tình hình mưa bão, diễn biến rất phức tạp, từ tháng 4 đến tháng 9 trên địa bàn huyện đã chịu ảnh hưởng của 8 đợt mưa, bão lớn gây ra thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân như: sạt lở đất, ngập lụt, lốc xoáy làm hư hỏng 603 nhà ở; 74,85 ha lúa, rau màu bị ảnh hưởng về năng suất. Tổng thiết hại ước tính khoảng 9,3 tỷ đồng. Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, huyện đã thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị chuẩn bị tốt, sẵn sàng ứng phó với diễn biến bất ngờ, kịp thời huy động lực lượng và các điều kiện sẵn có để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai được được thực hiện kịp thời…
Năm 2021, huyện tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp; ổn định diện tích sản xuất lương thực để đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn; tập trung đầu tư phát triển sản xuất chuyên canh theo vùng; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, trọng tâm là phát triển rừng gỗ lớn. Phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4%; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 69.600 tấn; sản lượng chè búp tươi đạt 72.700 tấn; tỷ lệ che phủ rừng đạt 46% trở lên…