“Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Hiện nay, với những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, việc triển khai có hiệu quả chương trình OCOP được huyện Phú Bình kỳ vọng là “đòn bẩy” góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Chị Nguyễn Thị Hiền, người dân TDP Đình Cả, thị trấn Hương Sơn Phú Bình: Tôi rất tin tưởng và yên tâm lựa chọn các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, bởi đây đều là những sản phẩm tốt, tiêu biểu của các địa phương đã được các ngành chức năng kiểm định. |
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban Điều hành chương trình OCOP huyện Phú Bình cho biết: Phú Bình triển khai thực hiện chương trình OCOP từ năm 2019 đến nay. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chương trình này, UBND huyện Phú Bình đã thành lập Ban Điều hành và Tổ giúp việc Chương trình OCOP của huyện. Ban Điều hành có trách nhiệm tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện chỉ đạo và điều hành, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của chương trình gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn các xã triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến Chương trình; đồng thời, Ban cũng có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tham mưu thành lập hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm theo quy định…
Để chương trình OCOP được triển khai có hiệu quả, 2 năm qua, huyện Phú Bình đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức 5 lớp tập huấn kiến thức chuyên môn cho hàng trăm lượt người là cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xãvà các hợp tác xã, chủ hộ sản xuất đăng ký tham gia chương trình. Đặc biệt, tháng 5-2020, huyện đã phối hợp với Văn phòng Điều phối chương trình XDNTM của tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng, tư vấn trực tiếp cho các tập thể, cá nhân đăng ký tham gia OCOP về quy trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP… Qua đó, đã có 3 đơn vị với 3 sản phẩm tham gia chương trình OCOP (tăng 2 đơn vị và 2 sản phẩm so với năm đầu), bước đầu có 1 sản phẩm cao ngựa bạch của cơ sở Dương Xuân Trường (Dương Thành) đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Anh Dương Xuân Trường, chủ Cơ sở sản xuất, chế biến cao ngựa bạch Trường Nguyên cho hay: Mặc dù được đánh giá là sản phẩm lợi thế của địa phương, song để xây dựng cao ngựa bạch Trường Nguyên thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh là điều không dễ, bởi quy trình kiểm định phải qua 2 vòng đánh giá cấp huyện và cấp tỉnh; hồ sơ thủ tục cần rất nhiều giấy tờ, chứng nhận liên quan… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình của các cán bộ địa phương, được tập huấn, tham quan học hỏi ở một số đơn vị trong tỉnh đã có sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt sao của chương trình OCOP. Tôi đã dành hết tâm sức và đầu tư gần 100 triệu đồng để thiết kế và in ấn 1.000 vỏ bao bì, tem mác sản phẩm. Sau gần 1 tháng kể từ khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao của OCOP tỉnh, một số nhà phân phối tại Hà Nội đã báo nhập thêm hàng của tôi trong tháng tới.
Còn theo ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) rau củ quả an toàn xã Dương Thành – đơn vị lần đầu tiên tham gia OCOP năm 2020: Lần này, sản phẩm “Cà chua Dương Thành” của HTX do chưa đủ hồ sơ minh chứng nên không được đánh giá. Tuy vậy, khi tham gia “sân chơi” này, chúng tôi cũng đã được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kết nối với nhiều HTX khác trong tỉnh. Sang năm sau, HTX chúng tôi sẽ nỗ lực để có sản phẩm được phân hạng cấp tỉnh.
Có thể thấy rằng, việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm OCOP đã, đang và sẽ là hướng đi đúng đắn, mở ra nhiều cơ hội cho nhiều người dân, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn huyện Phú Bình vẫn còn những khó khăn nhất định. Dù được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển nông nghiệp, có nhiều loại sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền như tương nếp Úc Kỳ, trám Hà Châu, một số sản phẩm đã được công nhận nhãn hiệu tập thể như Gà đồi Phú Bình, lúa Nếp Thầu dầu… nhưng trên thị trường, việc tìm “chỗ đứng” cho các sản phẩm này vẫn còn hạn chế; kiểu dáng mẫu mã của một số sản phẩm chưa đa dạng, quy trình sản xuất còn theo lối truyền thống, thủ công nên khó tiêu thụ, hoặc ở phạm vi hẹp. Một số doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp chưa thực sự mặn mà tham gia vào chương trình OCOP vì e ngại mất nhiều thời gian hoàn thiện các quy trình, thủ tục hồ sơ.
Bà Kiều Thị Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Hiện nay, huyện đã lựa chọn được 12 sản phẩm tiêu biểu trên địa bàn để đưa vào danh sách đề xuất tỉnh quan tâm hỗ trợ trong giai đoạn 2020-2025 như Tương nếp Úc Kỳ, gạo nếp Thầu Dầu, gà đồi Phú Bình, gạo hữu cơ J02… Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cùng các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình OCOP; tăng cường mở các lớp tập huấn xây dựng các sản phẩm OCOP. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được công nhận; xây dựng các điểm giới thiệu, bán hàng; tạo điều kiện cho các hộ sản xuất, tập thể tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh…