Mục tiêu "kép" từ trồng quế

10:28, 02/01/2021

Sau 5 năm triển khai (từ năm 2015 đến nay) Dự án trồng quế trên địa bàn huyện Định Hóa đã bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực. Việc phát triển cây quế không những tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước hình thành vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần quan trọng vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương.

 
Cây quế là cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao. Vỏ quế tươi được thu mua tại địa phương với giá 20.000-30.000 đồng/kg; thân cây gỗ quế 2,8 triệu đồng/m3 (cao gấp 1,5 lần so với gỗ keo). Vỏ cây quế thường được sử dụng làm thuốc, gia vị cho các món ăn hoặc chế biến thành nhiều sản phẩm phong phú. Tinh dầu quế chiết xuất từ lá, vỏ quế là một trong những hương liệu sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực công nghiệp y dược, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, hương liệu. Ngoài ra, thân cây quế cũng là một loại gỗ rất tốt thường được sử dụng để chế tạo các đồ gia dụng.

Từ trung tâm xã Kim Phượng, chúng tôi đến thăm thôn Đồng Đình một ngày cuối năm. Đi chầm chậm trên con đường bê tông dẫn vào thôn, ngắm nhìn những đồi quế xanh ngắt, vút cao dọc hai bên đường, đồng chí Trương Anh Tú, Chủ tịch UBND xã Kim Phượng chia sẻ: Thôn Đồng Đình là một trong những nơi trồng quế đầu tiên trên đất Định Hóa. Những cây quế đầu tiên được người dân tộc Dao đưa về trồng có tuổi thọ đã gần 30 năm. Từ 2015 đến nay, thực hiện chủ trương khuyến khích trồng quế của Đảng ủy, UBND, HĐND huyện, bà con nhân dân trong xã đã trồng được gần 150ha cây quế. Hiện, những diện tích quế trồng theo Dự án từ năm 2015 đã bắt đầu cho khai thác tỉa, đem lại nguồn thu nhập khoảng 25 triệu đồng/ha cho người dân.

 
Để minh chứng, đồng chí Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi đến thăm gia đình anh Lý Ngọc Đình, một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn đưa cây quế về trồng tại địa phương. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Đình cho biết: Bố mẹ tôi là một trong những người đưa cây quế về xóm cách đây gần 30 năm. Hiểu về giá trị của cây quế nên đầu năm 2013, tôi đã bắt đầu trồng 2ha quế khi còn chưa có dự án hỗ trợ người trồng quế. Không dừng lại ở đó, hằng năm, tôi đều tiếp tục trồng quế trên diện tích mới, đến nay, gia đình tôi đã có 15,3ha. Nhờ tích cực chăm sóc, bón phân theo hướng dẫn của cán bộ lâm nghiệp, rừng quế của gia đình tôi phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Vừa qua, 2ha quế trồng đầu tiên đã cho thu hoạch tỉa, bán được 65 triệu đồng.
 
Theo tính toán của anh Đình, nếu trồng quế trên diện tích lớn sẽ không thể tự chăm sóc hết. Do vậy, mỗi ha quế phải thuê công chăm sóc trong thời gian 5 năm đầu với chi phí khoảng 35 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, từ năm thứ 6 đến năm thứ 10 sẽ bắt đầu được tỉa thưa, với 1ha quế, gia đình anh sẽ thu về trung bình 25 triệu đồng từ việc khai thác cành, lá, vỏ cây. Đến năm thứ 20, rừng quế sẽ cho khai thác trắng toàn bộ với giá trị thấp nhất là 2 triệu đồng/cây (1ha sau tỉa còn 800-1.000 cây đến khi khai thác trắng). Nếu tính tổng thu nhập trong vòng 20 năm, 1ha quế sẽ đem lại giá trị kinh tế gần 2 tỷ đồng.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài Kim Phượng, từ đầu những năm 2000, cây quế đã được người dân tại một số xã trên địa bàn huyện Định Hóa, như: Quy Kỳ, Phú Đình, Trung Lương… đưa vào trồng rải rác với diện tích khoảng 200ha. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, lại dễ trồng, dễ chăm sóc nên cây quế sinh trưởng, phát triển tốt và có hàm lượng tinh dầu cao. Thực tế cho thấy, nếu người dân chăm sóc tốt, trung bình 1ha quế sẽ cho người dân thu hoạch 1,5 đến 2 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với cây keo, mỡ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân trên địa bàn huyện chưa mặn mà với loại cây trồng này. Nguyên nhân một phần là do trồng quế đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn để chăm sóc (khoảng trên 30 triệu đồng/ha, cao gấp 4-5 lần so với đầu tư trồng các loại cây lâm nghiệp khác). Mặt khác, hiệu quả kinh tế không nhìn thấy ngay nên rất nhiều hộ dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đưa vào trồng.
 
Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, UBND huyện Định Hóa đã trích ngân sách trên 12 tỷ đồng để hỗ trợ người dân thực hiện Dự án trồng quế. Sau 5 năm triển khai, toàn huyện đã trồng được trên 2.600ha quế, tập trung chủ yếu ở các xã: Kim Phượng, Quy Kỳ, Linh Thông, Điềm Mặc, Sơn Phú, Bình Thành, Tân Thịnh, Tân Dương, Bảo Linh… Hiện nay, một số diện tích quế đủ 5 năm tuổi được trồng theo Dự án đã bắt đầu cho khai thác tỉa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
 
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Minh Hà, Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết: Thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia Dự án trồng quế; đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ để người dân mở rộng diện tích, từng bước hình thành vùng nguyên liệu quế tập trung có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sớm hoàn thiện các thủ tục xây dựng Nhà máy chế biến tinh dầu tại địa phương để bao tiêu sản phẩm cho người dân…