Thay vì để đất trống như trước đây, sau thu hoạch lúa mùa, người dân ở xóm Đồng Chốc, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) tranh thủ làm đất để trồng rau màu vụ đông. Đặc biệt, khoảng 2 năm trở lại đây, người dân còn thực hiện trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất, giá bán cây trồng đã thay đổi đáng kể, đời sống của người dân nơi đây vì thế ngày càng được cải thiện.
Đến xóm Đồng Chốc thời điểm này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi cánh đồng rau rộng mênh mông, xanh mướt, nhiều diện tích như: hành lá, cải bắp, đỗ cô - ve, cà chua… đang cho bà con thu hoạch. Đặc biệt, cánh đồng rau rộng hơn 10ha này đều được người dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Vừa chăm sóc ruộng dưa chuột, chị Diệp Thị Sinh, xóm Đồng Chốc vừa nói: Nhà tôi có 7 sào ruộng đều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Làm theo quy trình này mặc dù đòi hỏi khá khắt khe, mọi tác động lên cây trồng đều phải ghi chép lại trong sổ sách, lượng phân bón phải cân đối, phun thuốc cũng phải theo danh mục… nhưng lợi ích đem lại rất nhiều. Tính ra, với 7 sào rau các loại, mỗi vụ gia đình tôi cũng thu lãi gần 50 triệu đồng, cao gần gấp 2 lần so với trồng rau thông thường. Hiện nay, ngoài cung ứng rau tại một số chợ trong và ngoài xã, nhiều tư thương cũng đến tận vườn của gia đình để thu mua, giá chênh lệch so với rau thông thường từ 2.000-3.000 đồng/kg.
Nhờ thời tiết thuận lợi nên năm nay, hơn 3 sào rau, gồm: Bắp cải, khoai tây, cà chua… của gia đình bà Lý Thị Ngọc, người dân ở xóm Đồng Chốc phát triển tốt. Bà Ngọc vừa cho biết: Cái khác khi trồng rau an toàn là sản phẩm khi xuất bán đều đảm bảo, không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Bình thường, khi mua rau quả, nhất là các loại đỗ gièo, đỗ cô-ve, bà con rất sợ có thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, khi trồng theo quy trình an toàn thì ai ăn cũng yên tâm, nếu cây bị bệnh, chúng tôi phun thuốc đều trong danh mục cho phép và đợi hết thời gian cách ly mới đem bán. Hiện nay, gia đình tôi đang bán giá buôn cho các tư thương là 13.000 đồng/kg đỗ cô-ve, cao hơn 3.000 đồng/kg so với giá ngoài thị trường. Tính ra, vụ này, với hơn 3 sào rau, gia đình cũng thu lãi khoảng gần 25 triệu đồng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để nâng cao thu nhập cho người dân, khoảng 5-7 năm trở lại đây, xã Nam Hòa đã khuyến khích người dân tận dụng đất đai, những diện tích đất lúa không chủ động được nguồn nước chuyển sang trồng cây màu. 2 năm trước đây, địa phương đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện triển khai mô hình trồng rau an toàn tại xóm Đồng Chốc. Thời gian đầu, mô hình này chỉ có 51 hộ tham gia, với diện tích 5ha. Tuy nhiên, thấy nhiều lợi ích đem lại nên các hộ dân dần mở rộng diện tích. Hiện nay, đã có khoảng 80 hộ tham gia, với tổng diện tích hơn 10ha.
Ông Đỗ Ngọc Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hòa cho biết: Đồng Chốc là vùng trồng rau an toàn tập trung của xã Nam Hòa nói riêng và của huyện Đồng Hỷ nói chung. Nhiều năm nay, cây rau màu vụ đông đã trở thành thu nhập chính của người dân ở đây. Bà con đang nâng cao giá trị sản phẩm bằng cách thực hành trồng rau theo tiêu chuẩn an toàn, về lâu dài sẽ đưa sản phẩm ra thị trường rộng hơn nữa. Vì mục đích này, năm 2020, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Nam Hòa được thành lập, thành viên đều là người dân ở xóm Đồng Chốc. Mục đích thành lập là để bà con cùng nhau học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình lao động, sản xuất, từng bước hướng tới xây dựng thương hiệu nông sản an toàn của xã. Nhờ biết tận dụng đất đai, tập trung đầu tư cho cây trồng vụ đông mà thu nhập của người dân ở Đồng Chốc đã được nâng lên. Đây cũng là xóm có thu nhập đầu người cao so với các xóm khác trên địa bàn xã, với 40 triệu đồng/người/năm.