Không phải lo chuyện được mùa, mất giá, cũng không phải lo về chất lượng giống hay khó khăn về ứng dụng khoa học kỹ thuật mà người dân cùng làm, cùng hưởng lợi... Đó là mô hình trồng khoai tây đang được Hợp tác xã Dịch vụ nông, lâm nghiệp Đại Tiến (HTX) triển khai tại xóm Cây Hồng, xã Lâu Thượng (Võ Nhai).
Trước đây, sau vụ lúa mùa, cánh đồng ở xóm Cây Hồng lại được phủ xanh bởi các cây trồng vụ đông như ngô, khoai, cây thuốc lá... nhưng do giá cả bấp bênh, thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp nên diện tích dần bị thu hẹp. Vì vây, vụ đông năm nay, HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp Đại Tiến đã triển khai trồng gần 20 mẫu khoai tây tại cánh đồng này với 20 hộ dân tham gia.
Nói về việc đưa cây khoai tây về trồng tại đây bà Triệu Thị Dung, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết: Nhận thấy cánh đồng tại xóm Cây Hồng có diện tích lớn, địa hình bằng phẳng, có hệ thống tưới tiêu, thuận tiện trong việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất, chất đất lại phù hợp với cây khoai tây, vì thế HTX đã ký hợp đồng với một đơn vị tại huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) triển khai mô hình trồng khoai tây. Lúc đầu HTX dự định chỉ trồng khoảng 2 mẫu nhưng trước nhu cầu được tham gia của người dân tăng lên, nên diện tích tăng lên thành 20 mẫu.
Được biết, diện tích đất trồng khoai tây được các thành viên góp lại và mượn thêm của những hộ trong xóm không có nhu cầu làm vụ đông để sản xuất. Đây là vụ đầu tiên vì thế các hộ sẽ được hỗ trợ 70% tiền giống, thuốc bảo vệ thực vật, 50% tiền phân bón và có máy móc hỗ trợ khâu làm đất và thu mua toàn bộ sản phẩm của bà con. Việc không lo vốn đầu tư, kỹ thuật chăm sóc, có đầu ra ổn định khiến người dân yên tâm, phấn khởi. Mặc dù đã hơn 11 giờ trưa nhưng có mặt tại cánh đồng trồng khoai tây, chúng tôi vẫn thấy hàng chục người dân đang lên luống.
Ông Lâm Văn Hoàn, dân tộc Nùng, xóm Cây Hồng phấn khởi: Năm 2004, gia đình tôi cũng tham gia mô hình trồng khoai tây nhưng do không có đầu ra, khoai bỏ trắng cả đồng nên sau một vụ không trồng nữa. Năm nay tham gia cùng HTX, chúng tôi không chỉ được tập huấn, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất mà còn được bao tiêu sản phẩm nên ai cũng yên tâm. Chúng tôi cùng làm chung và cùng hưởng lợi như nhau.
Còn ông Triệu Văn Lộc, xóm Đồng Chăn cho biết: Không chỉ tham gia sản xuất tập trung với bà con ở cánh đồng xóm Cây Hồng mà tôi còn trồng thêm 8 sào ruộng của gia đình ở gần nhà. Nay đất của gia đình không bị bỏ hoang sau vụ mùa mà tôi còn có thêm việc làm, kiếm thêm thu nhập.
Ông Trịnh Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Lâu Thượng cho biết: Vụ đông trước đây, người dân trong xã chủ yếu là trồng cây thuốc lá. Nhưng do giá cả ngày càng thấp, tình trạng ô nhiễm môi trường do sử dụng củi để đốt sấy nên người dân đã bỏ gần hết. Việc đưa mô hình trồng khoai tây vào sản xuất của HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp Đại Tiến đã thúc đẩy phong trào sản xuất vụ đông của xã, nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác, giúp nông dân ổn định thị trường, tăng thu nhập, giảm thiểu các rủi ro về giá cả.
Đến nay, sau gần 2 tháng trồng, khoai tây sinh trưởng, phát triển tốt. Dự kiến sẽ cho thu hoạch trước Tết Nguyên đán năm 2021 và năng suất ước đạt trên 5,5 tạ/sào. Thành công của mô hình sẽ là cơ sở để HTX mở rộng diện tích trồng vào vụ đông năm sau. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó thì HTX mong muốn được các cấp, ngành của tỉnh, huyện tạo điều cho HTX được tiếp cận được với những nguồn vốn ưu đãi để đầu tư máy móc, nhằm đưa cơ giới hoá vào sản xuất đại trà – Bà Triệu Thị Dung nói.