“Chung cây giống - Chung kỹ thuật canh tác - Chung đầu ra” là cách thức đã và đang được Hợp tác xã (HTX) Sản xuất dịch vụ nông nghiệp xanh Ký Phú, ở xóm Đặn 2, xã Ký Phú (Đại Từ) thực hiện thời gian qua. Cách làm này đã góp phần thay đổi tư duy trồng trọt cũng như đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương, hướng tới hình thành vùng sản xuất nông sản tập trung.
Cuối tháng 12 nhiều thửa ruộng của người dân Ký Phú được “nhuộm” đỏ bởi giống ớt hiểm lai VA.99999. Đây là giống do HTX cung cấp, có khả năng chịu nắng, chịu mưa rất tốt, cây to, tán rộng. Mỗi trái dài từ 8-10cm, vị cay, quả cứng, phù hợp cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, cây có thể trồng quanh năm, sau khoảng 65-70 ngày là cho thu hoạch. Nhằm giữ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại cũng như chống sâu bệnh, tiết kiệm chi phí vật tư nông nghiệp, nhân công, HTX hướng dẫn bà con sử dụng màng phủ nông nghiệp dọc các luống ớt. Cùng với 2ha được trồng ở xã Ký Phú, HTX còn thực hiện liên kết với một số người dân trồng ở các xã: Phú Cường, Tiên Hội với 4ha và hơn 6ha ở xã La Hiên (Võ Nhai). Ông Bùi Văn Thái, ở xóm Soi, xã Ký Phú vui vẻ: Trồng giống ớt này hiệu quả lắm, gấp 2-3 lần giống khác, so với trồng lúa thì gấp 4-5 lần. Gia đình tôi có hơn 1 mẫu đất thì đã chuyển hơn 3 sào sang trồng ớt. Trung bình mỗi vụ cho thu từ 8-9 tạ/sào. Năm nay ớt được giá (70.000-80.000 đồng/kg) nên bà con ai nấy đều phấn khởi.
Ngoài trồng ớt, HTX còn đưa vào trồng thử nghiệm giống cà chua lai Nhật Bản và Ấn Độ. Tuy mới đưa vào sản xuất năm thứ 2 song những giống cây này đã phát huy ưu điểm nổi bật. Trung bình mỗi cây cho 4kg quả/lứa. Với mỗi sào đất, người dân có thể thu về 3,2 tấn quả với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, cao điểm có thể đạt 25.000-30.000 đồng/kg. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hàng năm, HTX phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn tổ chức từ 1-2 lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân. Trên cơ sở cùng giống, cùng kỹ thuật đã cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, mẫu mã, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Doanh thu năm 2020 của HTX đạt 1 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Xuân, Giám đốc HTX cho biết: Để có được mô hình như hiện nay, chúng tôi phải thực hiện dần từng bước, trồng thử nghiệm thành công mới triển khai rộng rãi tới bà con. Sau 3 năm hoạt động, đến nay, 100% hộ liên kết đã thực hiện bón phân hữu cơ, dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học thay thế thuốc hóa học trước đây để bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng. Tham gia vào HTX, người dân được vay vốn để mua cây giống cho tới khi thu hoạch sản phẩm, được cung ứng vật tư phân bón, màng phủ nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Cùng với việc đưa các giống mới, có chất lượng vào sản xuất, điều khiến người dân tin tưởng khi liên kết sản xuất với HTX đó là việc ký hợp đồng bao tiêu nông sản ổn định. Theo đó, HTX thu mua toàn bộ sản phẩm của trên 100 hộ là thành viên HTX và bán cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Vĩnh Cửu (Bắc Ninh). Lượng thu mua của Công ty là không giới hạn nên tới đây, chúng tôi dự định sẽ động viên người dân tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất tập trung với quy mô sản xuất dự kiến là 50ha rau, củ, quả an toàn…
Ông Lỗ Thanh Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Ký Phú thông tin: Hiện nay, xã đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện nghị quyết về dồn điền đổi thửa nhằm hướng tới sản xuất tập trung, quy mô lớn. Trong đó, địa phương có kế hoạch dành khoảng 1.000m2 đất cho HTX để xây dựng nhà xưởng, kho bãi tập trung nông sản. Bên cạnh đó, tuyến đường giao thông gần 2km vào khu sản xuất của HTX do UBND xã làm chủ đầu tư cũng đã cơ bản hoàn thành tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Với những tiền đề đó, chúng tôi hy vọng HTX phát triển hơn nữa, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.