Bảo đảm các điều kiện trồng rừng vụ xuân

10:58, 24/02/2021

Vụ xuân năm nay, huyện Đại Từ có kế hoạch trồng khoảng 450ha rừng (cao hơn vụ xuân năm trước trên 30ha). Thời điểm này, nông dân ở các xã, thị trấn đang tập trung chuẩn bị cây giống và phát dọn thực bì để trồng rừng. 

Những ngày này, tại xã Minh Tiến (Đại Từ), nhiều gia đình đang khẩn trương phát dọn thực bì, đào hố để trồng rừng vụ xuân. Ông Dương Văn Chuyên, ở xóm Lưu Quang 2, cho biết: Gia đình tôi có gần 20ha trồng keo. Năm 2020, gia đình đã khai thác toàn bộ rừng keo 10 năm tuổi, thu lợi khoảng 80 triệu đồng/ha. Hiện nay, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, gia đình khẩn trương phát dọn thực bì và cuốc hố theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để chuẩn bị trồng rừng vụ xuân. Đến nay, trên 90% diện tích đã chuẩn bị sẵn sàng, khoảng tháng 4 tới chúng tôi sẽ tiến hành trồng rừng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quế Võ, Phó Chủ tịch HĐND xã Minh Tiến thông tin: Toàn xã có khoảng 1.900ha rừng, trong đó rừng sản xuất trên 990ha, cho sản lượng gỗ gần 1.000m3/năm. Những năm qua, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, nhiều người dân trong xã đã chủ động phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bằng những vạt keo lai, keo nội. Năm nay, xã có kế hoạch trồng mới 20-25 ha rừng. Để việc trồng rừng đạt hiệu quả cao, cùng với cơ quan chuyên môn, chúng tôi đang tuyên truyền, hướng dẫn bà con đẩy nhanh tiến độ phát dọn thực bì, chuẩn bị các điều kiện để trồng rừng…

Không chỉ riêng xã Minh Tiến, tại các xã, thị trấn khác trong huyện, việc chuẩn bị trồng rừng vụ xuân cũng đang diễn ra rất khẩn trương. Để đáp ứng nhu cầu về nguồn cây giống phục vụ trồng rừng của nhân dân, Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn chủ động triển khai kế hoạch gieo ươm và tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gậy hại trên cây giống, bảo đảm tỷ lệ sống cao, cây phát triển khỏe mạnh sau khi trồng. Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 7 vườn ươm giống lớn, có khả năng cung cấp trên 60 vạn cây giống cho thị trường trong và ngoài huyện, chủ yếu là các giống keo, sao đen, lát… Theo đánh giá, hiện nay, các vườn ươm trên địa bàn đều đang phát triển rất tốt, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, sẵn sàng phục vụ nhu cầu trồng rừng của người dân theo đúng khung thời vụ.

Chị Hoàng Thanh Huyền, chủ vườn ươm cây giống ở xóm Phúc Lẩm, xã Tiên Hội cho biết: Gia đình tôi làm cây giống được hơn 10 năm nay, cung cấp ra thị trường từ 10 vạn đến 12 vạn cây giống mỗi năm. Năm nay, ngoài cung cấp các giống keo nội, keo Úc, chúng tôi đã ươm giống và sẵn sàng cung cấp trên 4 vạn giống cây dổi xanh ra thị trường. Đây là loại cây phù hợp khí hậu, nhiều chất đất, cho gỗ chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao. 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những năm trước đây, nhiều người dân trên địa bàn huyện thường tiến hành trồng rừng khá muộn (bắt đầu từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 dương lịch và kết thúc vào tháng 7). Tuy nhiên, thực tế cho thấy thời điểm này thời tiết thường diễn biến thất thường, có nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến tỷ lệ sống cũng như khả năng sinh trưởng, phát triển của cây rừng. Do vậy, năm nay, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn điều chỉnh thời vụ trồng rừng sớm hơn. Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện đã có văn bản gửi đến 30 xã, thị trấn của huyện Đại Từ tiến hành rà soát quỹ đất, đăng ký trồng rừng, phấn đấu thiết kế xong vào đầu tháng 3-2021 để bàn giao cho người dân trồng rừng và sẽ hoàn thiện công tác trồng rừng trong tháng 4.

Điểm đáng chú ý trong công tác trồng rừng năm nay của huyện đó là phấn đấu mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn thêm 180ha, đồng thời phát triển các loại cây bản địa có chất lượng. 100% nguồn hỗ trợ của Nhà nước là tập trung cho trồng rừng gỗ lớn. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mặc dù các loại cây bản địa có thời gian thu hoạch dài, song chất lượng gỗ, giá trị về kinh tế, cảnh quan cũng như tác dụng bảo vệ đất, giữ nước… cao hơn nhiều so với các giống keo hiện tại. Việc phát triển rừng gỗ lớn đem lại lợi nhuận kinh tế cao gấp 1,5-2 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ. Bên cạnh đó, người trồng rừng tiết kiệm được kinh phí đầu tư giống, công chăm sóc…

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Toàn huyện có trên 29.500ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng sản xuất là gần 14.800ha. Trồng rừng không chỉ có tác dụng phòng hộ, cải thiện môi trường sinh thái, tạo nguồn sinh thủy mà còn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Do vậy, chúng tôi đã và đang khuyến khích người dân đưa các giống mới, có chất lượng vào trồng, đồng thời kéo dài thời gian khai thác để thu về các sản phẩm gỗ có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh công tác chuẩn bị các điều kiện cho vụ trồng rừng mới, chúng tôi cũng tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác phòng cháy, chữa cháy khi người dân xử lý thực bì để trồng rừng. Từ sự chuẩn bị chu đáo của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, sự nỗ lực của người dân, tin chắc rằng kế hoạch trồng rừng vụ xuân cũng như kế hoạch trồng rừng năm 2021 của huyện sẽ sớm hoàn thành và đạt hiệu quả cao…