Dịp Tết năm nay, người làm chè ở huyện Phú Lương rất phấn khởi vì chè được giá cao. So với năm trước, giá chè tăng từ 50.000 đến gần 200.000 đồng/kg (tùy từng loại sản phẩm).
Theo chị Tống Thị Xuyến, xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh: Vụ đông năm nay, do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài nên cây chè phát triển chậm hơn, búp ngắn, lá chè cứng, chỉ những cây khỏe mới lên được búp. Nếu như năm ngoái, vào vụ này, tôi hái được 2 lứa thì năm nay chỉ hái được 1 lứa với tổng sản lượng 1 tạ chè búp khô (giảm 1 nửa so với năm ngoái). Sản lượng chè giảm, đặc biệt là những loại chè đặc sản, cùng với nhu cầu của khách hàng tăng vào dịp Tết Nguyên đán chính là nguyên nhân khiến khiến giá chè búp khô tăng cao.
Qua khảo sát của chúng tôi tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè trên địa bàn huyện Phú Lương, từ khoảng 15 tháng Chạp đến nay, sản phẩm chè móc câu có giá từ từ 300.000 đến 350.000 đồng/kg (tăng khoảng 50.000 – 100.000 đồng/kg so với năm trước). Riêng các sản phẩm chè đặc sản như tôm nõn, chè đinh có giá dao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng/kg (tăng khoảng 100.000 đến 200.000 đồng/kg).
Mặc dù giá chè tăng cao nhưng lượng người mua cũng không hề giảm sút mà còn tăng hơn so với dịp Tết năm trước. Dạo quanh các xã vùng chè trọng điểm của huyện Phú Lương vào thời điểm này, chúng tôi nhận thấy lượng chè búp khô tại các hộ sản xuất, kinh doanh chè đã tiêu thụ khá nhiều. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thái, xóm Phú Nam 3, xã Phú Đô cho biết: Để có đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu của khách hàng dịp Tết Nguyên đán, ngay từ tháng 10-2020, bên cạnh việc tập trung thu hoạch diện tích chè của gia đình, tôi còn thu mua thêm chè búp tươi của bà con trong xóm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tôi đã tiêu thụ hết toàn bộ khối lượng chè búp khô của gia đình với trên 1,2 tấn.
Ông Đồng Văn Lợi, xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh cũng chia sẻ: Năm nay, chè vừa được giá, vừa tiêu thụ tốt nên chúng tôi rất phấn khởi. Chè sao đến đâu là có thương lái đến thu mua hết đến đó. Từ đầu tháng Chạp đến nay, gia đình tôi đã bán được 6 tạ chè búp khô, lợi nhuận khoảng 45 triệu đồng.
Bên cạnh việc xuất bán cho các thương lái, năm nay, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn huyện còn nhận được nhiều đơn hàng đặt những sản phẩm chè có đóng gói bao bì để làm quà biếu vào dịp Tết. Ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc cho hay: Năm nay, Hợp tác xã chủ yếu bán sản phẩm chè có đóng gói bao bì để phục vụ cho khách hàng sử dụng làm quà tặng, quà biếu dịp Tết. Từ đầu tháng Chạp đến nay, Hợp tác xã đã bán được khoảng 2 tấn chè búp khô có đóng bao bì với giá từ 500.000 đến hơn 1,2 triệu đồng/kg.
Sức mua thị trường Tết đang bước vào cao điểm khi chỉ còn gần 10 ngày nữa là đến Tết Tân Sửu 2021. Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 trong vài ngày gần đây đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc tiêu thụ sản phẩm chè búp của bà con vùng chè. Trước tình hình này, người dân đang phải tiết tốc độ sản xuất kết hợp với việc bảo quản chè búp khô đúng cách để đảm bảo sản phẩm chè giữ được chất lượng tốt và hương vị thơm ngon.