Trên địa bàn T.X Phổ Yên hiện có khoảng 1.700ha chè sản xuất, tập trung chủ yếu ở các xã phía Tây: Phúc Thuận, Thành Công, Minh Đức, Vạn Phái... Với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất chè, cùng với việc khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thị xã còn hỗ trợ người trồng chè xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong sản xuất nông nghiệp của T.X Phổ Yên hiện nay, chè được xác định là một trong những loại cây trồng mũi nhọn. Hàng năm, căn cứ vào điều kiện thực tiễn và lợi thế của từng địa phương, thị xã khuyến khích nhân dân cải tạo đất và đưa các giống chè cành (LDP1, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên…) thay thế các giống chè cũ, năng suất kém. Các cơ quan chuyên môn tổ chức trên 50 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè cho hàng nghìn lượt hộ dân. Các hoạt động nâng cao kiến thức, năng lực thị trường cho người sản xuất, kinh doanh chè thông qua công tác khuyến công, khuyến nông và hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm quảng bá, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm được đẩy mạnh, tăng cường... Đặc biệt, thị xã đã định hướng bà con nhân dân tập trung sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích trên 150ha; thành lập được 14 tổ hợp tác sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với gần 600 hộ tham gia. Cùng với đó, thị xã đã hỗ trợ vật tư để lắp đặt 150 điểm tưới nước tiết kiệm trên cây chè với diện tích khoảng 45ha…
Với diện tích trên 600ha chè, trong đó trên 60% là chè cành (gồm các giống LDP1, TRI 777, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên…), Phúc Thuận là xã có diện tích chè lớn nhất ở T.X Phổ Yên, sản lượng chè búp khô đạt khoảng 1.500 tấn/năm. Để nâng cao giá trị cây chè, xã đã xây dựng thành công 4 mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 40ha tại xóm 7, Bãi Hu, Đức Phúc và Tân Ấp 1. Thông qua các mô hình này, nhận thức của người trồng chè đã có sự thay đổi rõ rệt, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Ông Nguyễn Huy Sơn, Giám đốc Công ty CP Trà Việt Thái, trụ sở tại xã Phúc Thuận cho biết: Với mục tiêu đưa thương hiệu chè Phổ Yên đến với người tiêu dùng, Công ty đã liên kết với 75 hộ dân ở 3 tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP (chủ yếu là giống chè lai LDP1) trên địa bàn xã với vùng nguyên liệu có diện tích trên 30ha. Đặc biệt, năm 2020, từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh, đơn vị đã được hỗ trợ 300 triệu đồng để đầu tư máy móc, phục vụ hoạt động chế biến, kinh doanh chè. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện nay, đơn vị đã có 2 sản phẩm là Lộc trà thượng hạng và Lộc trà được chứng nhận đạt 4 sao.
Cùng với Phúc Thuận, Thành Công là một trong những xã có điều kiện thổ nhưỡng khá phù hợp để phát triển cây chè ở T.X Phổ Yên. Nhiều năm qua, người dân trong xã đã coi chè là cây trồng chính, đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho các hộ. Theo ông Trần Văn Thắng, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Thành Công, hiện nay, trên địa bàn xã có trên 350ha chè các loại, trong đó có khoảng 300ha đã cho thu hoạch, còn lại là diện tích trồng mới. Khoảng 5 năm trở lại đây, xã đã vận động người dân chuyển đổi trên 155ha chè trung du sang các giống chè cành có năng suất và chất lượng cao như: LDP1, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên... Cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống, xã cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn của thị xã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè an toàn tới các hộ dân.
Người dân Làng nghề chè truyền thống xóm 1, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) chế biến chè vụ đông. Ảnh: H.T
Anh Lê Văn Tám, người dân xóm Bìa cho biết: Năm 2015, tôi đã chuyển sang trồng 3 sào chè lai LDP1 thay cho giống chè trung du. Từ đó, chất lượng chè thành phẩm được cải thiện rõ rệt, giá bán ngoài thị trường cũng cao hơn. Hiện nay, với giá bán dao động từ 200-220 nghìn đồng/kg chè khô tùy loại, sau khi trừ chi phí cho thu lãi gần 10 triệu đồng/lứa. Vừa qua, tôi đã cải tạo đất vườn đồi để mở rộng diện tích, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động trên cây chè, nhằm giảm công lao động…
Từ thực tế cho thấy, những năm gần đây, cây chè trên địa bàn T.X Phổ Yên ngày càng được quan tâm phát triển thông qua việc hỗ trợ giống, vật tư và đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho người trồng chè. Từ đó, nhân dân các địa phương đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè, góp phần đưa năng suất chè bình quân của địa phương tăng từ 90 tạ/ha (năm 2011) lên khoảng 115 tạ/ha hiện nay; giá bán 1kg chè cao hơn gấp 1,2-1,5 lần. Chỉ tính riêng năm 2020, sản lượng chè búp tươi trên địa bàn thị xã đạt trên 18.300 tấn (tăng khoảng 300 tấn so với năm trước). Với mục tiêu đưa sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 19.000 tấn vào năm 2021, cùng với việc khuyến khích bà con đưa các giống chè lai vào trồng thay thế giống cũ, thị xã cũng tích cực hỗ trợ người dân mở rộng diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tăng cường tổ chức hội chợ thương mại, triển lãm sản phẩm, nhằm giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, xây dựng, đưa thương hiệu chè Phổ Yên đến với người tiêu dùng...