Đại Từ chủ động bảo vệ đàn vật nuôi

11:39, 08/02/2021

Trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đang có xu hướng diễn biến phức tạp tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh, các ngành chức năng của huyện Đại Từ đã và đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Chúc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ cho biết: Trước, trong và sau Tết là thời điểm thời tiết giao mùa, độ ẩm không khí cao dẫn đến sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh như cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu, bò… dễ phát sinh, phát triển. Đặc biệt, dịp giáp Tết Nguyên đán, hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc gia cầm diễn ra sôi động cũng làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Để chủ động bảo vệ đàn vật nuôi, ngay từ những tháng đầu năm, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại 30 xã, thị trấn. Đến nay, huyện và các xã, thị trấn đã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, các xóm thành lập các tổ xung kích làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, tổ chức tiêu hủy, chôn lấp xác động vật vứt bừa bãi ra môi trường (nếu có) để tránh dịch bệnh lây lan.

Theo thống kê, huyện Đại Từ hiện có 7.400 con trâu, gần 1.400 con bò, trên 65.500 con lợn và gần 1.700.000 con gà. Những năm gần đây, việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và đóng góp quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Hiện tại, chăn nuôi chiếm gần 40% cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi luôn được địa phương và người chăn nuôi đặc biệt quan tâm.

Có kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi gia cầm, anh Trần Mạnh Hải, ở xóm 5, xã Tân Linh chia sẻ: Trang trại của tôi luôn duy trì khoảng 10.000 con gà thịt, chủ yếu là giống gà ri. Toàn bộ vốn liếng của gia đình tôi đều tập trung vào đàn gà nên nếu dịch bệnh xảy ra thì coi như mất trắng. Vì vậy, tôi luôn chú trọng việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi như: Tiêm đầy đủ các loại vắc xin; bổ sung thức ăn dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi; sử dụng chế phẩm sinh học vừa khử mùi hôi vừa hạn chế mầm bệnh...

Cùng với công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cơ sở điều kiện chăn nuôi thực tế, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng kế hoạch tiêm phòng đợt 1 trên đàn vật nuôi để phòng, chống một số dịch bệnh như: Cúm gia cầm, dịch tả, tụ huyết trùng… Theo kế hoạch, công tác tiêm phòng đợt 1 trên đàn gia súc, gia cầm của huyện sẽ được triển khai thực hiện từ đầu tháng 3.

Bà Lê Thị Hiển, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thông tin: Do một số dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang bùng phát nhiều tỉnh, thành cả nước nên năm nay, huyện có kế hoạch tiêm phòng sớm hơn mọi năm nửa tháng. Theo đó, toàn huyện phấn đấu sẽ tiêm 7.800 liều vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng trâu, bò; 10.000 liều vắc- xin phòng bệnh lở mồm long móng cho trâu, bò, lợn; 22.000 liều vắc - xin phòng dịch tả lợn; 270.000 liều vắc xin phòng cúm gia cầm; 3.000 liều vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò…

Hiện nay, huyện đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư, phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành rà soát, đăng ký số lượng đàn vật nuôi thuộc diện phải tiêm phòng. Bên cạnh đó thường xuyên bám sát cơ sở nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các ổ dịch ngay khi còn ở diện hẹp. Ngoài ra, huyện cũng tuyên truyền, khuyến khích hình thành các cơ sở chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; quản lý chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn… hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người dân.