Thời gian qua, lúa nếp Vải là một trong những sản phẩm tiêu biểu được huyện Phú Lương quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng, mở rộng diện tích và xây dựng thương hiệu. Nhờ vậy, năng suất và giá trị sản phẩm ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Đến thăm Hợp tác xã (HTX) Nông sản nếp Vải Ôn Lương vào một ngày đầu Xuân, chúng tôi gặp chị Ma Thị Thúy Lan, thành viên HTX đang tất bật cân gạo, đóng gói, dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc để gửi cho khách hàng. Ngắm nhìn túi gạo hạt nào hạt nấy căng mẩy, tròn mập, màu trắng đục với hương thơm lan tỏa khắp căn phòng, chị Lan vui vẻ chia sẻ: Đây là giống nếp Vải đã có từ lâu đời, rất phù hợp với đồng đất của địa phương. Đặc biệt, giống lúa này chỉ cấy được duy nhất 1 vụ trong năm (vụ mùa). Do vậy, trong vụ xuân, bà con trong xã đa phần cấy lúa để đảm bảo lương thực cả năm, còn vụ mùa thì cấy giống nếp Vải để bán. Gạo nếp Vải có thể chế biến ra nhiều món ăn: cốm, xôi, bánh chưng, bánh dày, bánh gio… với hương vị thơm ngon đặc trưng.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, nhận thấy nhu cầu của khách hàng lớn, tháng 9-2020, HTX Nông sản nếp Vải Ôn Lương đã được thành lập với 9 thành viên. Ngoài nhiệm vụ sản xuất, HTX còn là cầu nối đứng ra thu mua sản phẩm của bà con. Chị Hoàng Thị Hồng Tú, Giám đốc HTX cho hay: Hiện nay, chúng tôi đang bao tiêu đầu ra cho bà con với khoảng 40ha, sản lượng đạt trên 200 tấn. Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, chúng tôi đã cử thành viên tham gia trưng bày ở các hội chợ trong tỉnh và các tỉnh bạn. Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hiện nay, chúng tôi đóng từng gói nhỏ 1kg, 2,5kg, 5kg hoặc 10kg tùy loại. Ngoài ra, HTX cũng đã đầu tư máy hút chân không, máy dập túi, hộp đựng và tem dán truy xuất nguồn gốc. Đã có một số sản phẩm của HTX được tiêu thụ ở các nước như: Anh, Úc… theo hình thức quà biếu.
Nói về năng suất, hiệu quả của giống lúa nếp Vải mang lại, bà Nguyễn Thị Siêm, một hộ dân ở xóm Trung Tâm hồ hởi: Trung bình, 1kg nếp Vải có giá 34.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần gạo Khang dân. Trước đây, bà con chúng tôi thường cấy dày, bón nhiều đạm nên cây lúa hay bị sâu đục thân, khô vằn và dễ đổ khi gặp mưa bão ảnh hưởng đến năng suất. Từ khi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật đã khắc phục được những hạn chế trên. Hiện, trung bình mỗi sào lúa cũng đạt năng suất từ 1,8 đến 2 tạ/sào, cao hơn 0,5 tạ/sào so với trước đây. Ngoài ra, sản phẩm làm ra đến đâu được HTX thu mua hết theo giá thị trường nên chúng tôi rất phấn khởi và yên tâm sản xuất.
Đến nay, lúa nếp Vải không chỉ có ở xã Ôn Lương mà còn được trồng tập trung ở một số địa phương khác của huyện như: Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Trạch… Trước đây, diện tích lúa nếp Vải chỉ có vài héc-ta nhưng giờ đã tăng lên hơn 120ha. Đặc biệt, năm 2018, lúa nếp Vải Phú Lương đã được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Lương cho biết: Thời gian qua, Phòng đã phối hợp với một số đơn vị chuyên môn và bà con nông dân tiến hành chọn lọc, phục tráng nhằm duy trì những đặc điểm nguyên bản của giống lúa nếp Vải để làm giống. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nông dân về quy trình kỹ thuật kỹ thuật chăm sóc lúa nếp Vải, cách xử lý hạt giống, gieo mạ, cấy và bón phân… Thời gian tới, chúng tôi sẽ định hướng, tuyên truyền, vận động bà con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương để nâng cao giá trị của sản phẩm.