Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, huyện Đồng Hỷ đã vận động, khuyến khích người dân trên địa bàn sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Theo đó, đến nay, toàn huyện đã có 350ha được chứng nhận đạt chuẩn theo quy chuẩn này. Trong đó, 85ha là diện tích được cấp mới; 50ha được cấp lại trong năm 2020; diện tích còn lại đã được cấp chứng nhận trước đó.
85ha được cấp mới, gồm các hợp tác xã, tổ hợp tác chè đó là: Hợp tác xã chè an toàn xóm Phúc Thành 11,6ha; Tổ hợp tác chè Anh Nhàn, xóm Na Long (cùng ở xã Hóa Trung) là 8,4ha; Tổ hợp tác Chè an toàn xã Hòa Bình 10ha; Tổ hợp tác Chè an toàn Mỹ Lập (xã Nam Hòa) 5,3ha; Tổ hợp tác Chè VietGap Khe Mo 5ha; Hợp tác xã Chè Nguyên Việt (xã Minh Lập) 5ha; Nhóm sản xuất chè an toàn xóm Hòa Khê, xã Văn Hán 26,6ha; Tổ hợp tác Chè an toàn Vân Hán (xã Văn Hán) 5ha; Hợp tác xã Chè Tuyết Hương 3ha; Tổ sản xuất chè an toàn xóm 5, thị trấn Sông Cầu 5,1ha. 50ha cấp lại là diện tích của Hợp tác xã Chè Thịnh An (thị trấn Sông Cầu).
Theo đánh giá của các ngành chức năng, sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap vừa giúp năng suất, chất lượng sản phẩm chè, vừa bảo vệ môi trường sống cho người dân. Nhờ đó, giá bán sản phẩm chè an toàn cũng tăng đáng kể, có thể đạt từ 250.000-350.000 đồng/kg chè búp khô, cao hơn chè sản xuất truyền thống từ 80.000-160.000 đồng/kg. Được biết, năm 2021, huyện Đồng Hỷ sẽ tiếp tục vận động người dân đăng ký sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, với tổng diện tích khoảng 50ha.