Với diện tích trên 2.000ha chè, mỗi năm T.P Thái Nguyên sản xuất trên 10.000 tấn chè khô các loại. Ngoài việc tổ chức sản xuất theo chuỗi, đảm bảo sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, các cơ sở sản xuất chè trên địa bàn thành phố đang hướng tới xây dựng sản phẩm chè đủ điều kiện trở thành sản phẩm OCOP, qua đó nâng cao chất lượng thương hiệu chè địa phương.
Thời điểm này, các hợp tác xã (HTX) chè trên địa bàn T.P Thái Nguyên đều đang hoạt động hết công suất để kịp thời cung cấp sản phẩm ra thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tại HTX Chè Hảo Đạt, xóm Nam Tiến, xã Tân Cương, chúng tôi được bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chia sẻ: Chúng tôi có 30 thành viên chính thức và 50 thành viên liên kết, đang chăm sóc, thu hái 30ha chè nguyên liệu. Bình quân mỗi năm HTX sản xuất và chế biến từ 400 đến 700 tấn chè búp khô. Năm 2019, đơn vị lần đầu tiên tham gia Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và có 3 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Nhờ đó, sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến và lựa chọn hơn, giá bán trên thị trường cũng cao hơn khoảng 20% so với trước đây. Năm nay, HTX tiếp tục đưa sản phẩm chè tôm nõn tham gia dự thi và được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao, tiềm năng 5 sao.
Còn ông Nguyễn Thanh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Chè Trung du Tân Cương, đóng tại địa bàn xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương cho hay: HTX gồm 8 thành viên và 75 hộ liên kết sản xuất chè. Chúng tôi đã sản xuất chè theo quy trình VietGAP từ nhiều năm nay, nhưng đến năm 2020, HTX mới mang 3 sản phẩm đi dự thi đánh giá, xếp hạng Chương trình OCOP, gồm: Thiên cổ đệ nhất Trà, Trà đinh Tân Cương thượng hạng và Trà trung du Tân Cương thượng hạng. 3 sản phẩm đều đã đạt 4 sao và một sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao. Việc được công nhận sản phẩm OCOP không những giúp cho sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến hơn mà còn được khẳng định về chất lượng, uy tín mà thông qua các chương trình hội thảo, xúc tiến, quảng bá sản phẩm do tỉnh, thành phố và các ngành tổ chức. Từ đó, sản phẩm của chúng tôi được hỗ trợ để tiếp cận các thị trường lớn hơn, như: T.P Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh; các tỉnh: Cần Thơ, Tây Ninh... thay vì chỉ bán trong tỉnh và khu vực lân cận như trước đây.
Mong muốn được thử sức cũng như chinh phục các giải thưởng OCOP đối với sản phầm trà của địa phương, hiện nay hầu hết các HTX chè trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đều hướng tới sản xuất, chế biến chè theo các tiêu chuẩn của Chương trình OCOP. Trong năm 2019, năm đầu tiên ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh triển khai Chương trình OCOP, T.P Thái Nguyên đã có 25 sản phẩm trà dự thi OCOP và đã có 8 sản phẩm được tỉnh cấp Giấy chứng nhận đạt sao. Trong đó, có 3 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2020, địa phương tiếp tục có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất trên địa bàn tỉnh đăng ký dự thi, với 22 sản phẩm, trong đó có 21 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm (nhóm chè) thì có 17 sản phẩm đạt tuyệt đối chất lượng 4 sao.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, những sản phẩm đạt OCOP ngoài khẳng định được chất lượng, thương hiệu, mẫu mã còn được tỉnh, thành phố hỗ trợ trong việc xúc tiến thị trường, quảng bá sản phẩm thông qua việc gửi sản phẩm tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Hiện, T.P Thái Nguyên cũng đang hỗ trợ điểm bán hàng và giới thiệu các sản phẩm trà đạt tiêu chí OCOP của địa phương tại Khách sạn Hải Yến và Khu bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc sinh thái Thái Hải, ký hợp đồng tuyên truyền về các sản phẩm OCOP trên các phương tiện truyền thông đại chúng…
Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Thái Nguyên cho biết: Nhiều sản phẩm của vùng chè đặc sản Tân Cương đã nổi tiếng từ rất lâu và được xuất khẩu ra thị trường quốc tế nhưng chỉ với số lượng nhỏ, chủ yếu theo đường tiểu ngạch hoặc các kênh quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, kể từ khi đạt được chứng nhận OCOP, các sản phẩm trà đã có cơ hội tham gia nhiều kênh phân phối, giới thiệu, quảng bá. Việc chú trọng xây dựng các sản phẩm chè đạt OCOP cũng đã mang lại cho địa phương ngày càng nhiều mặt hàng chè chất lượng, tạo thêm việc làm, tăng thu ngân sách địa phương…
Để hỗ trợ người trồng chè xây dựng các sản phẩm OCOP, T.P Thái Nguyên đang tiếp tục phối hợp với ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn các quy trình kỹ thuật trong sản xuất cũng như quá trình xét duyệt hồ sơ tham gia dự thi OCOP. Ông Nguyễn Văn Tuệ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên thông tin: T.P Thái Nguyên có 42 làng nghề chè, với 35 HTX chế biến chè. Địa phương có chủ trương tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu Quốc gia, Quốc tế đối với sản phẩm nông sản chủ đạo, trọng tâm là chè đặc sản Tân Cương.