Phát triển rừng sản xuất giúp người dân thoát nghèo

10:54, 19/02/2021

Coi trọng phát triển kinh tế rừng, mỗi năm huyện vùng cao Võ Nhai trồng mới hàng trăm ha rừng sản xuất đem lại hiệu quả cao. Kết quả này không chỉ góp phần nâng cao giá trị ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản mà còn thiết thực góp phần giảm nghèo trên địa bàn.

Xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng có gần 230ha diện tích đất rừng sản xuất. Những năm trước, người dân trong xóm không mấy quan tâm phát triển bởi chưa nhận thấy giá trị kinh tế từ rừng. Khoảng 10 năm trở lại đây, khi địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đồng thời triển khai các dự án hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, người dân Cao Lầm đã tích cực trồng rừng thay thế cho diện tích hoang hóa hoặc diện tích rừng tái sinh giá trị thấp. Đến nay, cơ bản toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp trong xóm đã phủ kín màu xanh của rừng. Anh Chu Văn Tuyên, Trưởng xóm cho biết: Cao Lầm có 114 hộ thì có tới trên 100 hộ trồng rừng kinh tế với diện tích từ 0,5 đến 6 ha mỗi hộ. Mỗi năm, có hàng chục ha rừng trên địa bàn đến tuổi khai thác đem về hàng tỷ đồng giúp cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó, toàn xóm Cao Lầm hiện không còn hộ nghèo, xóm cũng được công nhận là xóm Nông thôn mới kiểu mẫu đầu năm 2020.

Hộ ông Lý Văn Trung, 62 tuổi là một trong những hộ gia đình thoát nghèo nhờ trồng rừng kinh tế. Với gần 5 ha đất rừng sản xuất trước đây bỏ hoang hóa chỉ khai thác được cây tái sinh, ông Trung đã đầu tư để dần chuyển sang trồng keo sau khi được hỗ trợ từ Nhà nước cách đây chừng 10 năm. Nhờ vậy gần đây, mỗi năm ông thu về từ 60-80 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi, ông cho biết: Trước đây, gia đình tôi làm ruộng, trồng màu chỉ đủ ăn nhưng từ khi phát triển trồng rừng đã có nguồn thu đáng kể thoát nghèo, xây được nhà mới và cho con học hành đầy đủ.

Tương tự Cao Lầm, xóm Vang, xã Liên Minh nhờ phát triển trồng rừng kinh tế nên cũng đã có hàng chục hộ dân thoát nghèo và thậm chí vươn lên làm giàu như các hộ: ông Nguyễn Văn Thực, ông Vũ Tiến Mua... có thu nhập lên tới 160-200 triệu đồng mỗi năm. Anh Nguyễn Ngọc Vàng, Trưởng xóm cho biết: Xóm Vang có 207/207 hộ phát triển kinh tế rừng với diện tích từ 1-10 ha mỗi hộ. Với sự hỗ trợ của nhà nước về kỹ thuật, giống, vốn… bà con trong xóm phát triển trồng rừng kinh tế đem lại hiệu quả cao, góp phần thiết thực giảm nghèo từ 5-10 hộ mỗi năm. Riêng năm 2020, xóm Vang có 7 hộ thoát nghèo nhờ làm kinh tế rừng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xóm xuống còn hơn 2,5%.

Ông Nguyễn Hữu Trong, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: Toàn xã có gần 2,3 nghìn ha đất rừng sản xuất trong tổng số hơn 7,3 nghìn ha đất tự nhiên. Những năm gần đây, do có nhận thức đúng đắn về lợi ích thiết thực từ rừng trồng mang lại, đông đảo bà con đã quan tâm phát triển rừng. Trung bình, mỗi năm toàn xã trồng được từ 90-180ha rừng chủ yếu là: keo, mỡ, bồ đề, xoan đồng thời cho thu hoạch khoảng trên 5 nghìn khối gỗ trị giá hàng tỷ đồng. Trung bình, mỗi ha rừng sau 7 năm trồng cho giá trị kinh tế từ 80-100 triệu đồng. Từ kết quả trên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn trung bình khoảng 5% mỗi năm, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn gần 10% năm 2021.

Huyện Võ Nhai hiện có khoảng 66 nghìn ha đất lâm nghiệp là tiềm năng lớn để huyện phát triển kinh tế rừng. Những năm gần đây, toàn huyện mỗi năm trồng được từ 500-1.000 ha rừng, bảo đảm tỷ lệ cho phủ rừng đạt trên 70%. Riêng năm 2020, toàn huyện trồng được gần 503 ha rừng trong đó, 152 ha rừng sản xuất theo dự án, 60ha trồng cây phân tán, trên 222 ha rừng sản xuất do dân tự bỏ vốn trồng. Tình trạng để đất trống, cây mọc tự nhiên hoặc trồng cây manh mún, tự phát như trước gần như không còn. Kết quả phát triển rừng đặc biệt là rừng sản xuất đã tác động tích cực tới kết quả sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn với giá trị lâm nghiệp hằng năm đóng góp từ 70-90 tỷ đồng trong tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp. Đặc biệt, kết quả này đã đóng góp tích cực giúp hàng nghìn hộ dân trên địa bàn thoát nghèo. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Võ Nhai giảm nghèo trung bình mỗi năm gần 5,3%, từ 35,86% hộ nghèo năm 2016 đã giảm xuống còn 9,58% vào cuối năm 2020.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Minh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai cho biết: Để tạo nền tảng cho việc phát triển kinh tế rừng bền vững, thời gian tới chúng tôi đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho người dân đồng thời triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đối với người trồng rừng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng triển khai thực hiện các dự án kết hợp phát triển nông nghiệp gắn với lâm nghiệp, phát triển nông lâm nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.