Sớm làm rõ nguyên nhân gia cầm chết tại một số địa phương

10:11, 03/02/2021

Thời gian gần đây, tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Đồng Hỷ và Phú Bình đã xuất hiện tình trạng đàn gia cầm bị chết với số lượng lớn. Việc này đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cũng như tâm lý hoang mang, lo lắng cho người chăn nuôi. Trước sự việc này, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các ngành chức năng liên quan để xác định nguyên nhân và có giải pháp xử lý kịp thời.

Tại huyện Đồng Hỷ, tình trạng đàn gia cầm chết xuất hiện trên địa bàn xóm Na Quán và Cầu Gai (xã Nam Hòa) khoảng 1 tháng nay. Anh Nguyễn Văn Phú, xóm Cầu Gai - hộ có gần 1.000 con vịt vừa bị chết cho biết: Thông thường, gia đình tôi chỉ chăn khoảng 800 con vịt/lứa. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho thị trường Tết, gia đình đã đầu tư nuôi 1.000 con. Khi vịt nuôi được khoảng 2kg thì có triệu chứng bỏ ăn, 2-3 ngày sau lăn ra chết. Ước tính thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.

Cùng ở xóm Cầu Gai, gia đình chị Nông Thị Hồng có 1.500 con gà bị chết cho hay: Gia đình tôi chăn nuôi nhiều năm nay nên đều nắm rõ về các kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh. Gia đình cũng có thuê kỹ sư chăn nuôi riêng để tư vấn, chăm sóc, tiêm đầy đủ các loại vắc xin cần thiết. Tuy nhiên, lần này, đàn gà có biểu hiện rất lạ, sưng phù đầu, chảy nước mắt, bỏ ăn rồi chết. Gia đình đã nhờ cán bộ thú y kiểm tra nhưng không chữa khỏi. 

Còn tại huyện Phú Bình, nhiều hộ chăn nuôi gà ở xã Tân Kim, Tân Khánh... cũng rất hoang mang vì tình trạng gà chết nhiều, hộ ít thì vài trăm con, nhiều thì lên tới hàng nghìn con chỉ trong vài ngày. Chị Nguyễn Thị Chúc, ở xóm Bạch Thạch, xã Tân Kim buồn rầu: Đàn gà thịt hơn 1.000 con chăn nuôi trong 3 tháng qua của gia đình tôi chỉ trong 1 tuần chết gần hết. Trước đó vài ngày, tôi phát hiện một vài con gà trong đàn có dấu hiệu lừ đừ, mắt sưng, da nóng…, tôi liền gọi cho bác sĩ thú y trên địa bàn đến kiểm tra, lấy mẫu và gửi đến Công ty CP Thú y xanh Việt Nam làm xét nghiệm, kết quả mẫu phẩm dương tính với cúm A-H5N6. Tôi băn khoăn không rõ kết quả của Công ty có chính xác không, nhưng các hộ chăn nuôi gần nhà tôi như hộ ông Nguyễn Xuân Tuynh trước đó cũng đã bị chết gần 2.000 con gà, mới đây ngày 1-2 hộ nhà anh Nguyễn Xuân Cường cũng chết gần 1.500 con gà chỉ trong vài ngày với các biểu hiện tương tự.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng gia cầm chết với số lượng lớn còn xuất hiện tại nhiều hộ dân khác trên địa bàn các địa phương trên. Tuy nhiên, chỉ có một số hộ là thông tin với cán bộ thú y, một số khác không báo với chính quyền địa phương, tự tìm cách chữa trị, khi thấy vật nuôi bệnh không thuyên giảm thì tìm cách bán tháo nhằm giảm thiệt hại về kinh tế. Sở dĩ, các hộ không báo với chính quyền địa phương là do tâm lý muốn “giấu dịch”, lo sợ thiệt hại về kinh tế.

Ông Triệu Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đồng Hỷ cho biết: Ngay sau khi nắm thông tin, chúng tôi đã cử cán bộ xuống cơ sở. Tại thời điểm kiểm tra, các biểu hiện bệnh trên đàn vật nuôi không có triệu chứng của dịch cúm A/H5N6. Theo đánh giá của chúng tôi, vật nuôi của các hộ chết có thể do nhiều nguyên nhân như: rnh hưởng bởi thời tiết rét đậm, rét hại; người dân chưa thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng trừ theo quy định hoặc mua phải con giống kém chất lượng. Chúng tôi đã cấp hóa chất để các hộ dân thực hiện tiêu độc khử trùng. Còn bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình cho biết: Đối với trường hợp gà bị chết như phản ánh, chúng tôi sẽ cử cán bộ xuống kiểm tra, xác minh và có thông tin cụ thể sau.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên cho biết: Tính đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được thông tin, phản ánh nào của người dân hay cơ quan chuyên môn ở hai địa phương trên về tình trạng gà chết với số lượng nhiều như vậy. Chi cục sẽ cử ngay cán bộ chuyên môn xuống cơ sở để phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp của 2 huyện để rà soát, kiểm tra dịch tễ học, nếu phát hiện dịch bệnh, đặc biệt dịch cúm A-H5N6 sẽ tiến hành các biện pháp khoanh vùng, dập dịch.

Cũng theo ông Đỗ Đình Trung, hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ xuất hiện dịch cúm A-H5N6 tại một hộ gia đình ở xã Tân Phú (T.X Phổ Yên). Với trường hợp này, Chi cục đã phối hợp với địa phương triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch. Hiện, dịch bệnh đã được khống chế. Do dịch cúm gia cầm có thể lây sang người, do đó, cơ quan y tế địa phương cũng đang tiến hành cách ly theo dõi tình hình sức khỏe của hộ dân có vật nuôi bị bệnh.