Trước thềm Xuân mới, ông Nông Đình Tuất, Chủ tịch UBND xã Nghinh Tường (Võ Nhai) hồ hởi chia sẻ với chúng tôi nhiều thông tin vui, mặc dù địa phương vùng cao xa xôi này vẫn nằm trong tốp các xã khó khăn nhất tỉnh. Theo ông, cùng với những kết quả đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thời gian gần đây có thể đo đếm bằng số liệu cụ thể thì nhiều hộ dân trong xã đã và đang mạnh dạn phát triển sản xuất với những cách nghĩ, cách làm khá mới mẻ.
Nghinh Tường là xã có địa hình cao nhất của huyện Võ Nhai, nơi giáp với hai tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn, có diện tích tự nhiên lớn (trên 8,4 nghìn héc-ta), mật độ dân cư thưa thớt (xã có 679 hộ dân, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số). Điều kiện giao thông của xã dù được cải thiện đáng kể so với trước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do địa bàn rộng lại bị chia cắt, khả năng đối ứng của người dân hạn chế. Tư duy tự cung tự cấp, sản xuất nhỏ lẻ manh mún phổ biến, không ít người dân còn tư tưởng trông chờ vào Nhà nước và “không muốn” thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm đã giảm nhưng vẫn còn 28,76%...
Thực tế đó khiến lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã luôn trăn trở. Ông Nông Đình Tuất chia sẻ: Nghinh Tường chưa thể bứt phá, nhiệm vụ trước mắt và quan trọng hàng đầu của địa phương là làm tốt công tác giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của người dân. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, xã xác định cần phải thay đổi tư duy sản xuất của người dân để họ mạnh dạn đầu tư sản xuất hàng hóa, áp dụng những cách làm mới phù hợp. Vì vậy, chúng tôi luôn quan tâm tuyên truyền, nhân rộng những mô hình tiên tiến.
Nghinh Tường hiện có khá nhiều mô hình, cách làm mới phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ sản xuất của bà con. Trong đó, HTX Thịnh Vượng (ở xóm Bản Chang) là một điểm sáng. Tuy mới thành lập vài năm nhưng HTX đã khẳng định hướng đi và cách làm hiệu quả, trở thành đơn vị kinh tế tập thể tiêu biểu. Giám đốc HTX, ông Hà Quốc Vượng là người đầu tiên đưa giống chuối tây Thái Lan về trồng tại xã từ năm 2017 với diện tích khoảng 10ha, giống cây này thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây nên cho hiệu quả kinh tế cao. Thấy vậy, các thành viên HTX và nhiều hộ dân trong xã đã đến học hỏi, mua giống chuối về trồng. Coi trồng chuối chỉ là bước “lấy ngắn nuôi dài”, HTX Thịnh Vượng đã đầu tư trồng nhiều loại cây dược liệu quý như: chè hoa vàng, ba kích, cát sâm, đinh lăng… cùng với chăn nuôi đà điều và chim trĩ. Đến nay, các giống cây trồng, vật nuôi này đều đang phát triển tốt và bước đầu cho thu nhập, nhiều người dân trong và ngoài xã đã tìm đến học hỏi để áp dụng.
Mô hình nuôi bò 3B của gia đình anh Ma Đình Mạnh, ở xóm Bản Rãi, xã Nghinh Tường (Võ Nhai) bước đầu đạt hiệu quả cao.
Không chỉ ông Hà Quốc Vượng và một số thành viên tích cực của HTX Thịnh Vượng, xã Nghinh Tường hiện có nhiều hộ cũng mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế với những cách nghĩ, cách làm khá mới lạ. Ở xóm Bản Rãi, nhiều người coi gia đình anh Ma Đình Mạnh là tấm gương để học tập. Đôi vợ chồng trẻ đã vay vốn ngân hàng mua thêm đất rừng và trồng hết diện tích đất của gia đình được gần 10ha cây keo. Không những vậy, đầu năm 2020, gia đình anh đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua 4 con bò 3B về nuôi. Anh Mạnh nói: Tôi đi một số nơi và tìm đọc trên mạng thấy họ nuôi giống bò này hiệu quả lại khá nhàn. Mình có lao động, có đất trồng cỏ nên nuôi bò rất phù hợp. Tôi tính nuôi 1 năm nữa mới bán, hiện mỗi con đã đạt trọng lượng trên 4 tạ, giá bán khoảng 100 nghìn đồng/kg thịt hơi. Nhiều người cũng đến học hỏi và muốn nuôi rồi.
Ở Bản Rãi, ngoài gia đình anh Mạnh còn có 2 hộ khác cũng đang nuôi bò 3B. Ở các xóm Bản Chang, Bản Nưa có nhiều hộ đã đầu tư chăn nuôi dê từ khoảng 4 năm trước. Một số vùng khác, người dân tích cực tham gia mô hình trồng ớt, nhiều hộ mở rộng quy mô chăn nuôi gà thả vườn để bán ra thị trường chứ không chỉ nuôi số lượng ít chỉ để tự phục vụ như trước… Điều đó cho thấy tư duy sản xuất của người dân Nghinh Tường đã có chuyển biến đáng kể.
Với diện tích tự nhiên lớn và đất rừng chiếm đa số, trong đó diện tích đất rừng sản xuất có trên 3.000ha, Nghinh Tường có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế rừng. Ông Nông Đình Tuất cho biết: Phần lớn diện tích đất rừng sản xuất đã được người dân trồng cây. Mới đây, theo quy hoạch và định hướng của huyện, xã đã rà soát và vận động người dân đăng ký trồng khoảng 200ha cây quế trong năm nay. Giống cây này đã được khẳng định là phù hợp với điều kiện của địa phương vì một số hộ đã tự trồng từ trước thu được kết quả tốt. Chúng tôi nghĩ đây là một hướng phát triển kinh tế nhiều triển vọng với xã.
Theo lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Nghinh Tường, chúng tôi đến xóm Na Hấu, nơi có khá nhiều hộ trồng cây hồi và trồng nấm. Anh Triệu Văn Minh, Trưởng xóm Na Hấu chia sẻ: Xóm có 71 hộ phần lớn là đồng bào Dao, thuộc vùng xa xôi, khó khăn nhất xã. Để thoát nghèo, bà con đã mày mò nhiều cách, năng động làm ăn. Nhận thấy cây hồi phù hợp, nhiều hộ đã và đang tiếp tục trồng, hiện cả xóm có khoảng 10ha đang phát triển tốt. Nhiều hộ cũng tích cực trồng nấm hương theo mô hình và hướng dẫn từ cán bộ chuyên môn của huyện. Đời sống của bà con sẽ khấm khá hơn từ những cách làm đó…
Nghinh Tường còn nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều tiềm năng và triển vọng từ những cách nghĩ, cách làm mới của người dân nơi đây. Chúng tôi tin, đời sống của bà con sẽ ngày càng khấm khá như lời của anh Trưởng xóm Na Hấu.